Thực hiện Kế hoạch số 134 ngày 11/6/2019 về thực hiện Đề án Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa năm 2019, toàn tỉnh có 57 sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của các địa phương có khả năng tham gia vào chu trình OCOP. Những năm qua, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã được quan tâm chú trọng, đã tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia Hội chợ Làng nghề 2018 tại Hà Nội, tham gia trưng bày sản phẩm tạicác hội nghị nông thôn mới...
Thanh Hóa có 155 làng nghề với 25 nghề truyền thống. Trong đó, có 23 nghề truyền thống, 20 làng nghề và 47 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Ngoài 3 hiệp hội ngành hàng được thành lập, hiện có 4 huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của địa phương, 10 làng nghề đã được công nhận thương hiệu, nhãn mác; 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ... Những thống kê trên cho thấy, Thanh Hóa có lợi thế và tiền đề để phát triển những sản phẩm của chương trình OCOP.
Dù số lượng sản phẩm truyền thống đa dạng, phong phú song các sản phẩm này còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: Chất lượng nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu; mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, chưa tạo được sức hút với khách hàng. Ngoài số ít sản phẩm có thương hiệu thì sức cạnh tranh các sản phẩm làng nghề trong tỉnh vẫn còn yếu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm vẫn bị bó hẹp phạm vi trong tỉnh, trong nước, chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu.
Trang trại trồng dưa lưới Taki của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong cách mới
Ông Trần Đức Năng - Phó Chánh văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: “Thanh Hóa có rất nhiều sản phẩm, song cơ bản mới ở dạng tiềm năng. Hiện một số người vẫn hiểu, sản phẩm làng nghề truyền thống là sản phẩm OCOP là chưa đúng, cần phải nâng tầm sản phẩm theo hướng “sản phẩm địa phương, hướng tới toàn cầu”. Ngoài quảng bá phát triển bền vững thị trường, cần phải gắn với sự sáng tạo để cho ra nhiều sản phẩm thành một chuỗi. Sản phẩm phải đặc trưng, cần gắn với xuất xứ, ý nghĩa lịch sử, văn hóa - nhân văn nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Các yêu cầu phát triển sản phẩm OCOP cũng đặt ra vấn đề phải đào tạo nguồn nhân lực trong sản xuất sản phẩm nhằm khơi dậy sự sáng tạo, kỹ năng, thổi hồn cho sản phẩm, áp dụng được khoa học - kỹ thuật vào khâu sản xuất”.
Cũng tại hội nghị thẩm định đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc chương trình OCOP tỉnh năm 2019 do đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì đã có 15/20 sản phẩm đủ điều kiện để trình Hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2019. Tại hội nghị, các thành viên hội đồng đánh giá, xếp hạng đã nghiên cứu, đánh giá và chấm điểm cho các sản phẩm tham gia chương trình. Sau hội nghị 13 sản phẩm được các thành viên trong hội đồng thống nhất chấm điểm đạt 3 - 4 sao trở lên trong đó có các sản phẩm: Dưa lưới Taki, dưa chuột baby, rượu Chi Nê, chè lam Phủ Quảng, trứng sạch Hiền Nhuần, bánh gai Lâm Thắm, rượu Sâm báo... Trong đó dưa lưới Taki và dưa chuột baby của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong cách mới được đánh giá với số điểm cao nhất.
Ông Trần Văn Tân - Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong cách mới cho biết: “Dưa lưới Taki và dưa chuột baby là một trong những giống dưa ngon nhất của Nhật Bản. Đây là loại dưa rất nhạy cảm với thời tiết, yêu cầu môi trường trong lành và ổn định trong điều kiện chăm sóc khắt khe. Hiện nay, thông qua việc tham gia phần mềm “Kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn” và bán hàng qua mạng xã hội, hệ thống website... nông trại đã kết nối, ký hợp đồng với 31 đơn vị là siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học trong, ngoài tỉnh để tiêu thụ các sản phẩm rau, củ quả an toàn. Trung bình mỗi ngày trang trại cung cấp cho thị trường hơn 2,5 tạ dưa các loại và gần 1 tạ rau an toàn”.
Một trong những yếu tố quan trọng để sản phẩm OCOP có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường đó là chất lượng sản phẩm. Xác định được điều này, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã chủ động đa dạng hóa chủng loại, nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã và đẩy mạnh xúc tiến đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa giao ngành NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đồng thời làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại, địa điểm du lịch... để xây dựng những gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP trong thời gian gần nhất. Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới và các địa phương cần xây dựng các sản phẩm OCOP trên tất cả các lĩnh vực nhằm tuyên truyền, quảng bá và nâng tầm các sản phẩm lợi thế của tỉnh, hoàn thành Chương trình OCOP theo mục tiêu đề ra.