Tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP

Tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP sau hơn một năm triển khai đến nay đã có những kết quả vượt bậc về số lượng; mẫu mã, chất lượng sản phẩm, từng bước được khẳng định, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùn

Chương trình OCOP sau hơn một năm triển khai đến nay đã có những kết quả vượt bậc về số lượng; mẫu mã, chất lượng sản phẩm, từng bước được khẳng định, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng. Đến nay, có 59 tỉnh, thành phố ban hành các quyết định, kế hoạch, đề án thực hiện chương trình, bốn tỉnh đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến, đến năm 2020 số sản phẩm được chuẩn hóa OCOP khoảng 3.800. Trong đó, nhóm thực phẩm có 2.182 sản phẩm, nhóm đồ uống có 397, nhóm thảo dược có 263, nhóm vải may mặc 100, nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí có 665 và nhóm dịch vụ, du lịch và bán hàng có 193 với nguồn lực huy động đạt gần 9.863 tỷ đồng.

Mặc dù chương trình OCOP mang lại những tín hiệu tích cực giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhưng hiện nay một số địa phương vẫn chưa xác định được dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường: Công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế; mô hình sản xuất kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao; chế biến sản phẩm còn ở dạng thô, thiếu sự liên kết: Việc quản lý chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; quản lý nhà nước còn bất cập về định hướng quy hoạch sản xuất, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, kết nối thị trường; người dân chưa phát triển sản phẩm truyền thống theo hướng hàng hóa; việc chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, thị trường chưa được coi trọng. Việc đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị chưa được thực hiện nhiều.

Ở một số địa phương, việc triển khai thực hiện chương trình OCOP đang gặp nhiều khó khăn. Tại Tuyên Quang, theo Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Huy Hùng, chương trình OCOP đã triển khai được một thời gian nhưng hiện nay sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị chưa được quyết liệt, mạnh mẽ. UBND các huyện, thành phố gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình; việc hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP do nội dung triển khai thuộc nhiều lĩnh vực, các ngành khác nhau, trong khi nhân lực tham gia thực hiện lại kiêm nhiệm; không có kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, đơn vị và các hộ sản xuất đầu tư hoàn thiện sản phẩm nhằm đạt tiêu chí của chương trình OCOP. Hay như tỉnh Bắc Giang, khi thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm chưa có nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ…; tại các xã thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, số hợp tác xã, doanh nghiệp ít, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết cho nên việc đề xuất ý tưởng sản phẩm không nhiều.

Việc thực hiện chương trình OCOP đang mở ra hướng phát triển với các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở các vùng miền. Nước ta mỗi khu vực có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu khác biệt tạo ra những sản phẩm truyền thống, đặc trưng, lợi thế độc đáo khác nhau. Thí dụ tại Bến Tre, nhờ chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đến nay, tỉnh đã tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP lần thứ nhất với 31 sản phẩm đạt bốn sao và 14 sản phẩm đạt ba sao. Hiện nay, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh có chất lượng tốt từ chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong nước, có mặt trên một số chuyến bay quốc tế. Theo UBND tỉnh Bến Tre, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP, giúp nhân dân hiểu rõ về lợi ích, sự cần thiết khi tham gia. Qua đó, thay đổi dần tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết, hợp tác và phát huy lợi thế đặc trưng của địa phương./.

VPĐP NTM TW


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất