Cao Bằng lựa chọn 30 sản phẩm vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Cao Bằng lựa chọn 30 sản phẩm vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Sau khi tổ chức lấy kiến tham gia góp ý của các thành phàn kinh tế, các chuyên gia, nhà quản lý, Cao Bằng sẽ lựa chọn 30 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của địa phương đưa vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Sau khi tổ chức lấy kiến tham gia góp ý của các thành phàn kinh tế, các chuyên gia, nhà quản lý, Cao Bằng sẽ lựa chọn 30 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của địa phương đưa vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP). Với nhiều làng nghề truyền thống và nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản, Chương trình OCOP được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Hạt dẻ - một trong những sản vật đặc trưng của huyện Trùng Khánh.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương xây dựng Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 -2020, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu sẽ đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Cấp giấy chứng nhận ít nhất 15 sản phẩm, trong đó có 4 - 5 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh; có từ 10 - 11 sản phẩm đạt 2 sao cấp huyện. Phát triển mới và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP; lựa chọn, củng cố, kiện toàn khoảng 10 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương tham gia Chương trình OCOP.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều sản vật và sản phẩm truyền thống, đặc trưng cho mỗi một dân tộc, như: Thạch đen, lạc đỏ tại huyện Thạch An; chè Đoỏng Pán, khoai lang tím ở huyện Quảng Uyên; lạp sườn là món ăn truyền thống ở các huyện và thành phố Cao Bằng; miến dong, chiếu trúc, huyện Nguyên Bình; gạo nếp Ong ở huyện Trùng Khánh; gạo nếp Pì Pất, huyện Hòa An; gạo nếp, lê vàng ở huyện Bảo Lạc; nếp cẩm ở huyện Bảo Lâm; quýt Trà Lĩnh; lợn đen Táp Ná Cao Bằng… Theo thống kê bước đầu, hiện Cao Bằng có khoảng 184 sản phẩm nông nghiệp lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm, gồm: 135 sản phẩm thực phẩm; 11 sản phẩm đồ uống; 19 sản phẩm thảo dược; 3 chuỗi sản phẩm vải may mặc; có 6 sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí; 10 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn. Các sản phẩm trên do 1.783 tổ chức, cá nhân sản xuất, trong đó, 2 công ty cổ phần, 8 công ty TNHH, 1 doanh nghiệp tư nhân, 60 hợp tác xã, 124 tổ hợp tác và 1.588 hộ sản xuất kinh doanh.

 Cao Bằng có nhiều lợi thế phát triển các sản phẩm OCOP dạng thực phẩm và đồ uống, gắn liền với văn hóa cộng đồng dân cư như các loại rượu ngô, rượu men lá, các loại bánh, các bài thuốc, phương pháp chữa bệnh truyền thống. Tuy nhiên, các tiềm năng chưa được phát huy, khai thác xứng tầm, chưa thu thút được các nhà đầu tư lớn, việc quản lý, khai thác phát triển quy mô nhỏ lẻ. Theo nhận định của ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cần tập trung phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng theo hướng gia tăng lợi ích cộng đồng dân cư, qua đó từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập đời sống nhân dân.

Giai đoạn 2019 - 2020, toàn tỉnh sẽ bố trí 76 tỷ 325 triệu đồng để lựa chọn 30 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của địa phương đưa vào Chương trình OCOP. Giai đoạn 2021 - 2025, sẽ bố trí 120 tỷ đồng để nâng cấp xếp hạng 15 sản phẩm đạt sao giai đoạn 2019 - 2020; chuẩn hóa 50 sản phẩm mới, trong đó, nâng cấp 5 sản phẩm chủ lực phấn đấu đạt 4 - 5 sao cấp quốc gia; hằng năm hỗ trợ ít nhất 1 sản phẩm cho mỗi huyện, thành phố theo Chương trình OCOP; củng cố và phát triển 25 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác) tham gia Chương trình OCOP tỉnh. Giai đoạn 2026 - 2030, kinh phí dự kiến 120 tỷ đồng để tiếp tục hỗ trợ nâng cấp xếp hạng 50 sản phẩm đạt sao; chuẩn hóa 50 sản phẩm mới, trong đó, nâng cấp 5 sản phẩm chủ lực phấn đấu đạt 4 - 5 sao cấp quốc gia; hằng năm tiến hành tổ chức đào tạo và đào tạo nâng cao, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 150 - 200 lượt cán bộ quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã và các chủ thể thực hiện Chương trình OCOP; đến năm 2030 có tối thiểu 50 sản phẩm OCOP được tổng kết, đánh giá xếp hạng. Chương trình OCOP được thực hiện gồm sáu bước, theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, không áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong sản xuất các sản phẩm OCOP, khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế phát triển sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã lựa chọn sản phẩm của mình theo hướng đi riêng, đặc thù gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để phát huy những lợi thế về chất lượng, yếu tố sản xuất, tiêu dùng mang tính văn hóa, truyền thống. Đây là cơ sở để xây dựng hoạt động, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển thương hiệu. “Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân./.

Theo Caobang.tv.vn


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất