Mô hình trồng cam của gia đình anh Nguyễn Xuân Sơn, ở xã Xuân Trường (Thọ Xuân) hàng năm cho thu nhập cao.
Theo giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh, chúng tôi về vùng trồng cam ngon nổi tiếng trên đất Xuân Trường (Thọ Xuân) đúng vào mùa thu hoạch. Con đường bê tông bằng phẳng đưa chúng tôi vào khu vườn đầy cây trái trĩu cành, lúc lỉu những quả. Anh Nguyễn Xuân Sơn – một chủ trang trại trẻ tuổi, năng động nhất nhì vùng này dẫn chúng tôi tham quan một lượt, mời chúng tôi thưởng thức vị cam tươi lịm ngọt vừa mới hái trong vườn. Anh Sơn tâm sự, khoảng 5 năm trước, nơi đây vốn là ruộng lúa nhưng thuộc khu đất cao nên cằn cỗi, khó tưới và cho năng suất thấp. Anh đã mạnh dạn xin xã cho thuê đất lâu năm để chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị cao hơn. Xã đồng ý, song, gia đình anh ngăn cản, cho rằng ngoài cây lúa, còn cây nào khác có thể sinh trưởng được trên đất này? Nhưng anh không nản chí, mà càng quyết tâm thực hiện ước mơ của mình nhằm “cải tạo đất xấu thành đất màu mỡ, biến tấc đất kém giá trị thành tấc vàng”. Nghĩ là làm, chẳng bao lâu người ta đã thấy cả một vùng đất rộng 6,5 ha được anh đầu tư làm kinh tế trang trại. Trước tiên là cải tạo đất, tăng cường các loại phân bón để tăng độ màu mỡ cho đất, tạo luống, đào mương, xẻ rãnh đưa nước về tưới mát cho cây, rồi anh ra tận tỉnh ngoài chọn mua giống cây ăn quả về trồng. Sau 5 năm dày công chăm bón, trang trại của gia đình anh đã được phủ xanh cả một vùng, với hơn 3.000 gốc cam Vinh, hơn 2.000 gốc bưởi, chanh đào. Ngoài ra, anh còn kết hợp chăn nuôi lợn để lấy phân bón cho cây, nuôi đàn gà đẻ trứng, đào ao thả cá... Riêng trồng cây ăn quả đã cho năng suất 30 tấn/ha, với giá bán tại vườn là 32 nghìn đồng/kg, anh đã có lãi 500 triệu đồng/ha/năm.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh, ở thôn Yên Cẩm 1, xã Đông Yên (Đông Sơn) cũng rất thành công khi trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ nhà kính. Năm 2015, anh Anh đầu tư hơn 800 triệu đồng xây dựng nhà kính trên diện tích 2.000m2 để trồng rau an toàn. Rau trồng trong nhà kính nên hạn chế được sâu bệnh xâm nhập, tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm hơn một nửa so với trồng ngoài trời. Nhất là có thể trồng quanh năm vì không phụ thuộc vào thời tiết, năng suất đạt cao và bảo đảm rau an toàn. Anh Anh cho hay: Do sử dụng hệ thống phun tưới tự động, tự điều chỉnh độ ẩm bên trong nên khi nhiệt độ lên cao, hệ thống phun sương trong nhà kính sẽ tự bật lên làm mát vườn. Trường hợp thời tiết bất thường, như quá nắng, hệ thống màng cản quang sẽ tự động kéo ra tạo bóng mát và khi có mưa, hệ thống cũng sẽ tự kéo mái không cho mưa lọt vào bên trong nhà kính.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt ngày 28-12-2018, với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu tiêu chuẩn hóa khoảng 30% số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có nguồn gốc từ các địa phương trên địa bàn tỉnh. Để đạt được mục tiêu mỗi xã một sản phẩm, thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản của Trung ương, của tỉnh về các chủ trương, chương trình phát triển kinh tế; việc triển khai đề án thực hiện chương trình mỗi xã là một sản phẩm để hội viên nông dân hiểu rõ và thực hiện tốt. Đồng thời cụ thể hóa và xây dựng chương trình hành động thực hiện mỗi xã một sản phẩm, gắn với các phong trào thi đua “sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Ngoài ra, phối hợp với các ngân hàng thực hiện tốt chương trình hỗ trợ tín chấp, vay vốn, đồng thời phối hợp thực hiện tốt dịch vụ hỗ trợ và xây dựng phát triển quỹ hỗ trợ nông dân để hội viên nông dân có vốn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và hướng tới sản xuất những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, đảm bảo an toàn và có giá trị; từ đó hình thành chương trình mỗi xã một sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương. Mặt khác thực hiện lồng ghép các chương trình, hoạt động, theo nhiều hình thức sinh động, thiết thực để thu hút hội viên nông dân tham gia; ủng hộ, hỗ trợ và thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó có chương trình nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà Nghị quyết Trung ương 7 đã đề ra và nay là chương trình mỗi xã một sản phẩm đã được ban hành.
Theo Báo Thanh Hóa