Vĩnh Phúc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Vĩnh Phúc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc vừa triển khai phương án sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Qua tập huấn, tuyên truyền, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương mình để thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tập trung hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng nhằm tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Giúp đỡ các chủ thể OCOP về quy trình, thủ tục để được đánh giá, xếp hạng sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chí đánh giá, xếp hạng theo Quyết định số 1048 của Thủ tướng Chính phủ.

Với quy mô phát triển lớn, HTX Nấm Tam Đảo, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo không chỉ tận dụng nguồn rơm rạ tại địa phương, mà còn phải mua thêm bông hạt và mùn cưa để phục vụ nhu cầu sản xuất. HTX tiến hành phân phối các nguyên vật liệu ngành trồng nấm phục vụ thành viên và người dân địa phương. Nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm của HTX luôn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.  HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo thống kê, đến hết năm 2018, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 225 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm hơn 35% số lượng hợp tác xã) với tổng số hơn 83.000 thành viên; trong đó có 159 hợp tác xã tổng hợp; 42 hợp tác xã chăn nuôi; 22 hợp tác xã trồng trọt và 2 hợp tác xã thủy sản. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã nông nghiệp đạt khoảng 930 triệu đồng/năm.

"Mỗi xã một sản phẩm" - chương trình tạo sức bật cho nông thôn mới khi phát huy được thế mạnh của địa phương, đưa những sản phẩm lợi thế của Vĩnh Phúc vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh./.


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất