Những quyết sách hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP tỉnh Hải Dương

Những quyết sách hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP tỉnh Hải Dương

Đề triển khai Chương trình OCOP được hiệu quả, đồng bộ, tỉnh Hải Dương triển khai xây dựng Đề án "Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương đến 2020, định hướng đến 2030" (OCOP).

Hải Dương triển khai Đề án OCOP định hướng đến 2030

Những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh sẽ được lựa chọn tham gia Đề án.

Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương sẽ được triển khai sâu, rộng trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả, mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Trước tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay còn chưa gắn với nhu cầu thị trường, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chưa tốt; sản xuất chưa có sự kết nối chặt chẽ, dẫn đến khó tiêu thụ các sản phẩm. Trong khi, tỉnh có một số sản phẩm thế mạnh đã có như: các loại rau cà rốt, su hào, bắp cải, hành, tỏi, bột sắn dây; các loại cây ăn quả vải thiều, na, ổi, chuối; gà đồi, cá lồng; các sản phẩm truyền thống như bánh đậu xanh, bánh gai, bánh gấc; sản phẩm của 66 làng nghề truyền thống; sản phẩm du lịch như: Khu du lịch sinh thái sông Hương, Đảo Cò, khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc; khu An Phụ - Kính Chủ…

 

Thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg, ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hải Dương về phê duyệt đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Mục tiêu toàn tỉnh có 348 Hợp tác xã hoạt động hiệu quả, trong đó giải thể các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động yêu kém, có ít nhất 37 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 348 HTX nông nghiệp tham gia liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.

 

Về mục tiêu của Đề án OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Để tạo bước đột phá và hỗ trợ phát triển đến năm 2020 xây dựng hệ thống quản lý, điều hành và tổ chức triển khai áp dụng bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm; trong đó, xúc tiến thương mại cho 20 sản phẩm, chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho 14 sản phẩm, có ít nhất 3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp Quốc gia; hàng năm tổ chức các chương trình, hoạt động hội chợ các sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2030, trung bình mỗi năm phát triển 1 -2 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp Quốc gia, từ 3- 5 doanh nghiệp, HTX; xây dựng mới 1 - 2 mô hình khu trục du lịch gắn với OCOP và các dự án phát triển trọng điểm theo chuỗi giá trị; đầu tư 12 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch tại các huyện, thành phố…

Việc triển khai thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm là xu thế tất yếu nhưng cần lựa chọn được sản phẩm có thể mang lại giá trị kinh tế cao. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng một số đề xuất trong đề án chưa sát thực tế, chưa thực sự tạo đột phá và sự kết nối trong sản xuất tiêu thụ các sản phẩm; việc củng cố và nâng cao vai trò hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp hiện nay. Những năm qua, vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Vì vậy, đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm tạo bước đột phá về cơ chế, chính sách để tăng cường cơ sở vật chất, các tiến bộ khoa học công nghệ áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý để triển khai kế hoạch Đề án có hiệu quả thiết thực, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành cần phải nghiên cứu sâu, kỹ và phải quyết liệt đổi mới, củng cố hoạt động của HTX. Chính sách hỗ trợ phải được xây dựng trên cơ sở thực tế, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước. Các HTX phải tự vận động, tự thích nghi mới có thể tồn tại, phát triển bền vững và thực sự đi vào cuộc sống. Vì vậy, việc đề xuất cơ chế, chính sách không nên khuôn mẫu, cần phải có bước đột phá mới, có điểm nhấn và căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương. Trong đó, mỗi địa phương xác định sản phẩm gì đang là thế mạnh, cần tác động vào khâu nào để nhân ra diện rộng; đối với các HTX dịch vụ, doanh nghiệp dịch vụ cần phải đổi mới ở khâu nào để tạo điều kiện cho các HTX dịch vụ vươn lên khẳng định vị trí của mình. Trong đó, có tham mưu định hướng quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Liên minh các Hợp tác xã tỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng để có định hướng phát triển mô hình theo đặc thù của từng địa phương, để phấn đấu tỉnh Hải Dương phải có 20.000 doanh nghiệp theo chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ và mục tiêu của Đề án OCOP.

 

Thời gian tới, đồng chí yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2019 và cả trong nhiệm kỳ. Trong đó, cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án OCOP và Quyết định số 461/QĐ-TTg, ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao; tổ chức lại sản xuất theo các mô hình hiệu quả, theo chuỗi giá trị. Mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương phải trả lời hiện có sản phẩm gì? ở đâu? Sản lượng, chất lượng sản phẩm. Đồng chí đề nghị ngoài cơ chế, chính sách của tỉnh thì cấp huyện, cấp xã cũng cần phải có cơ chế hỗ trợ nông dân cho phù hợp; cùng với việc tạo điều kiện cho các HTX dịch vụ hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ giữa HTX - xã viên, đủ sức vươn ra thị trường trong nước và thế giới.

Giai đoạn từ 2018-2020, mục tiêu của đề án là đào tạo, tập huấn cho 100% cán bộ quản lý Đề án và các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Đề án; Phát triển thêm ít nhất 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia OCOP; Triển khai, phát triển tiêu chuẩn hóa ít nhất 30% số sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm có thể mạnh của tỉnh, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho 20 sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 14 sản phẩm, phát triển ít nhất 3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia; xây dựng 08 dự án phát triển sản phẩm trọng điểm theo chuỗi giá trị; đầu tư xây dựng 01 trung tâm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP…

 

Giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục duy trì và phát triển những kết quả đạt được trong việc thực hiện Đề án giai đoạn 2018-2020, đưa Đề án OCOP đi vào chiều sâu, trung bình mỗi năm phát triển thêm 1-2 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia; tiếp tục củng cố kiện toàn doanh nghiệp, HTX tham gia thực hiện Đề án OCOP, mỗi năm phát triển thêm  3-5 doanh nghiệp, HTX;... đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu cho các sản phẩm trong Đề án OCOP; triển khai đầu tư bổ sung 12 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Đề án OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch tại các huyện, thành phố.

Tỉnh Hải Dương cũng thành lập Ban chỉ đạo Đề án OCOP; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng và tổ chức triển khai Đề án OCOP hàng năm và theo giai đoạn; Sở Công Thương lập kế hoạch và xây dựng kinh phí ngân sách hàng năm cho hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp... tham gia Đề án.

 

VPĐP NTM TW


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất