Yên Thế triển khai Chương trình OCOP: Đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị

Yên Thế triển khai Chương trình OCOP: Đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị

Sau hơn một năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay huyện Yên Thế (Bắc Giang) có 7 sản phẩm tham gia chương trình của huyện, 4 sản phẩm tiềm năng. Điều này tạo đà cho việc xây dựng thương hiệu hàng hóa của địa phương.

Nhiều sản phẩm mới

Huyện Yên Thế có tiềm năng phát triển các mặt hàng từ sản xuất nông nghiệp với các nhãn hiệu nổi tiếng như: Gà đồi Yên Thế, chè bản Ven, Trà sạch Thảo Xuyên. Sau hơn một năm triển khai Chương trình OCOP, Yên Thế đã chỉ đạo, khuyến khích thành lập nhiều hợp tác xã (HTX), tuyên truyền, vận động người dân sản xuất đa dạng các mặt hàng. 

Thu hoạch chè bản Ven, xã Xuân Lương - một trong những sản phẩm trong Chương trình OCOP của huyện Yên Thế.

Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế chia sẻ, hưởng ứng Chương trình OCOP của huyện, ngoài 2 sản phẩm truyền thống là gà lông và gà qua giết mổ, HTX đã cho ra thị trường 3 sản phẩm mới gồm: Giò gà, chả gà và thịt gà đóng túi hút chân không. Tuy sản lượng chưa nhiều (mỗi loại đạt hơn 2 tạ/tuần) nhưng với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, các mặt hàng này đã được người tiêu dùng chấp nhận và đi sâu vào thị trường Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Không có bề dày kinh nghiệm như HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế vì mới được thành lập tháng 6 vừa qua nhưng 3 sản phẩm cao thảo dược: Xạ đen, cà gai leo, đinh lăng của HTX Dược liệu Thiện Tâm Yên Thế cũng được người tiêu dùng đón nhận tích cực. 

Ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc HTX tâm sự, xạ đen, cà gai leo, đinh lăng đều là những cây thuốc quý, có tác dụng bổ dưỡng, an thần, thải độc, chống ung nhọt… được bố ông truyền lại cách dùng. Tuy nhiên do bận công tác nên khi về hưu (năm 2015) ông mới có thời gian nghiên cứu sâu và sản xuất đại trà dưới dạng tinh chế thành cao để thuận tiện cho người sử dụng. 

“Thời gian đầu tôi chỉ làm với số lượng ít, chủ yếu dùng trong nhà và cho tặng. Được bạn bè, chính quyền địa phương khích lệ, đầu năm 2019 tôi đã thành lập HTX, mở rộng vùng trồng nguyên liệu, lắp đặt dây chuyền sản xuất và bước đầu đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu 2 sản phẩm: Cao xạ đen và cao cà gai leo”, ông Thiện nói. Thời gian tới, HTX có kế hoạch tiếp tục cho ra những sản phẩm cao khác như: Mật nhân, sâm cau đen và chè vàng để phục vụ thị trường.

Cùng với các sản phẩm mới của HTX Nông nghiệp xanh và HTX Dược liệu Thiện Tâm Yên Thế, sau hơn một năm thực hiện Chương trình OCOP, Yên Thế đã có thêm nhiều mặt hàng mới như: Trà cà gai leo Thiện Lộc, rượu ngô men lá Lộc Sơn, bưởi Agrigiang, mật ong hoa rừng, thịt dê đóng túi hút chân không, kẹo lạc được người tiêu dùng đánh giá cao.

Phát triển vùng nguyên liệu

Năm nay, Yên Thế có 7 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của huyện đó là: Giò gà, thịt gà đóng túi hút chân không, trà gai leo Thiện Lộc, chè xanh bản Ven, rượu ngô men lá Lộc Sơn, bưởi Agrigiang và gà sạch GS. 5 sản phẩm dự kiến tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh đó là: Giò gà, thịt gà đóng túi hút chân không, trà gai leo Thiện Lộc, chè xanh bản Ven và rượu ngô men lá Lộc Sơn. 4 sản phẩm tiềm năng gồm: Cao dược liệu (cao xạ đen, cao cà gai leo, cao đinh lăng), mật ong hoa rừng, thịt dê đóng túi hút chân không và kẹo lạc.

Ông Phạm Văn Thiện kiểm tra khu trồng nguyên liệu cao xạ đen của HTX Dược liệu Thiện Tâm Yên Thế.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, có được kết quả trên là do ngay từ đầu năm huyện có kế hoạch, huy động nguồn lực xã hội triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện Chương trình OCOP tới các địa phương. Huyện tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các xã, thị trấn, chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tạo dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Để thực hiện Chương trình OCOP đạt hiệu quả, Yên Thế đã kiện toàn hệ thống tổ chức thực hiện chương trình từ Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp huyện đến cơ quan thường trực và BCĐ cấp xã; bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý cho các chủ thể sản xuất, cán bộ quản lý thực hiện Chương trình OCOP các cấp. 

Hỗ trợ chương trình thông qua xúc tiến thương mại, lồng ghép các nguồn vốn để phát triển các sản phẩm thế mạnh của huyện; hỗ trợ các nhóm hộ, tổ sản xuất, HTX thực hiện nâng cấp, hoàn thiện, mở rộng cơ sở. Bên cạnh đó, huyện tranh thủ lắng nghe và thực hiện theo những ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển hàng OCOP để hoàn thiện các sản phẩm của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, giai đoạn tới, dựa trên thế mạnh của từng địa phương, Yên Thế tiếp tục có cơ chế khuyến khích thành lập các HTX gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu để tạo ra nhiều sản phẩm phát triển bền vững. Bởi ngoài các mặt hàng hiện tại, huyện còn có vùng trồng nhãn muộn, sản phẩm cây có múi ở các xã: Tân Sỏi, Đồng Lạc, Đồng Tâm, Đồng Kỳ… Ngoài ra, huyện tiếp tục tập trung ứng dụng khoa học, kỹ thuật để tạo thành vùng sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao tại thị trấn Bố Hạ, tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này.


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất