OCOP khẳng định thương hiệu xứ Tuyên

OCOP khẳng định thương hiệu xứ Tuyên

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai thực hiện với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, trọng tâm là phát triển sản phẩm có lợi thế của từng địa phương. Sau hai năm, Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 đã đạt những kết quả bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp xứ Tuyên.

Người dân xã Phù Lưu (Hàm Yên) thu hoạch vụ cam năm 2019.

Xã Phù Lưu hiện có hơn 2.500 ha cam, trong đó có khoảng 2.000 ha cho thu hoạch, thu khoảng 40 - 50 nghìn tấn/năm. 

Nâng tầm giá trị nông sản

Chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang) sau rất nhiều năm bị “bỏ quên” giờ đã lấy lại đúng giá trị. Ông Bàn Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, 5 năm trở về trước, chè Shan tuyết ở Hồng Thái mọc như cây rừng, chẳng mấy ai biết làm, dân bản chỉ hái dăm ba nắm về sao uống, chứ chẳng bán. Năm 2015, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chè Shan tuyết được quan tâm đầu tư và khai thác. Tuy nhiên, đến năm 2018, khi Chương trình OCOP triển khai, chè Shan tuyết Hồng Thái mới được quan tâm xứng tầm. 

Anh Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái chia sẻ, chè Shan tuyết với đặc trưng trồng trên núi cao, khí hậu ôn hòa, không nhiễm sâu, bệnh hại, đạt chuẩn sạch. Chè vẫn được thu hái, chế biến bằng biện pháp thủ công nên giữ nguyên được hương vị đậm đà riêng có khiến dân nghiện chè mê mẩn. Theo anh Phố, thị trường tiêu thụ chè Shan tuyết Hồng Thái đã vươn tới các thành phố lớn, ra cả thế giới. Phó Giám đốc HTX Phố tự hào khoe, ngày 28-8-2019, tiếp đón Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chọn sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái làm quà tặng Thủ tướng Malaysia. Đây là vinh dự lớn của nông sản xứ Tuyên, tạo động lực để tiếp tục vươn xa hơn, mang lại giá trị đích thực cho người nông dân.

Gà trống thiến Bình Xa (Hàm Yên) nổi tiếng có chất lượng thịt thơm ngon, nhưng qua thời gian đã bị lai tạp. Triển khai Chương trình OCOP, UBND huyện Hàm Yên đã hỗ trợ địa phương phục tráng giống, đồng thời hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm gà trống thiến đã nhanh chóng lấy lại được chất lượng, giá trị, thương hiệu sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Ngà, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà thiến Đèo Ảng, xã Bình Xa cho rằng, sản phẩm tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Hiện nay, gà trống thiến với mức giá từ 150.000 đến 160.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với gà  thường. Muốn được thưởng thức khách hàng phải đặt trước chứ lượng gà không đủ để cung ứng cho thị trường.

Sản phẩm bưởi Xuân Vân (Yên Sơn) được công nhận nhãn hiệu hàng hóa.

Nâng cấp để đạt “sao”…

Thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 11-3-2019, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến năm 2020 trên địa bàn với mục tiêu mỗi xã phải xây dựng và phát triển được ít nhất 1 sản phẩm, mỗi huyện có ít nhất 1 sản phẩm chủ lực. 

Hiện tại, hầu hết các xã đã xác định được sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để đầu tư phát triển, 7/7 huyện, thành phố xây dựng được ít nhất 1 sản phẩm; tỉnh cũng đã nhận diện được sản phẩm chủ lực gồm: Gỗ nguyên liệu, chè, cam sành, trâu, cá đặc sản. Đã có 43 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhiều sản phẩm đã khẳng định được thị phần, vươn tầm quốc gia, quốc tế. Điển hình như sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang); sản phẩm chè xanh, đen của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm; cam sành (Hàm Yên); cá đặc sản Na Hang...

Yên Sơn là huyện đi đầu trong triển khai Chương trình OCOP, đến nay đã có 17 sản phẩm nông nghiệp xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, chiếm gần 40% số nhãn hiệu nông sản hàng hóa của tỉnh, trong đó một số sản phẩm đã khẳng định được vị trí trên thị trường như bưởi Phúc Ninh; bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân; chè Bát tiên Mỹ Bằng... Bà Nguyễn Thị Thu Lan, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định, tổng doanh thu từ các sản phẩm nông nghiệp có nhãn hiệu hàng hóa của các tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất mỗi năm đạt trên 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động nông thôn.  

Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, nâng cấp các sản phẩm hiện có để đạt “sao” theo quy định, tỉnh hỗ trợ 40,6 tỷ đồng để tiêu chuẩn hóa cho 74 sản phẩm nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 23 tỷ đồng; vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh trên 14,5 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác. Chương trình hỗ trợ gồm: Xây dựng, cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn; xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; nâng cấp thiết bị sản xuất, chế biến... Đồng thời, hỗ trợ 51 sản phẩm nhóm thực phẩm; 18 sản phẩm nhóm đồ uống; 1 sản phẩm thảo dược; 1 sản phẩm nội thất, trang trí và 2 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn.

Theo Báo Tuyên Quang

 

 

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất