Trao đổi với phóng viên, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng: Để góp phần thúc đẩy Chương trình OCOP, cần tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm...
Bà Lê Việt Nga. Ảnh: HUY THẮNG
Phóng viên (PV): Thưa bà, được thực hiện từ năm 2018, đến nay Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả nổi bật gì?
Bà Lê Việt Nga: OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Theo kết quả tổng hợp tại 63 tỉnh, thành phố, đã xác định được 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế của địa phương. Các sản phẩm này tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc; nhóm lưu niệm-nội thất-trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn và làng bản văn hóa gắn liền với du lịch.
Tuy nhiên, do còn những thách thức từ quy mô sản xuất, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu nên đầu ra các sản phẩm nông sản nói chung, đặc sản vùng miền và sản phẩm trong Chương trình OCOP nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, việc tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm trong Chương trình OCOP là yêu cầu bức thiết và vô cùng quan trọng.
PV: Vậy đâu là giải pháp để đưa các sản phẩm từ Chương trình OCOP đến với đông đảo người tiêu dùng, thưa bà?
Bà Lê Việt Nga: Trong năm 2019, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Công Thương đã hỗ trợ 12 tỉnh, thành phố trong việc xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm trong Chương trình OCOP tại Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức các hội nghị kết nối, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền cho các điểm bán sản phẩm trong Chương trình OCOP và các hoạt động kết nối những sản phẩm trong chương trình này vào các điểm bán tại địa phương.
Thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Cùng với Chương trình OCOP, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được kết quả quan trọng, góp phần phát triển thị trường trong nước, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.
Hoạt động kết nối, đưa sản phẩm vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm từ Chương trình OCOP tại Hà Nội.
PV: Theo bà, đối với các đơn vị, địa phương sở hữu sản phẩm từ Chương trình OCOP, họ cần thay đổi như thế nào để mở rộng thị trường tiêu thụ?
Bà Lê Việt Nga: Trên cơ sở phân tích, đánh giá cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa, đây là lợi thế rất lớn giúp các doanh nghiệp đánh giá, lựa chọn dòng sản phẩm để khởi nghiệp. Doanh nghiệp nếu chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức sản xuất một cách bài bản, đồng bộ, đáp ứng về chuẩn hóa sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng sẽ tạo nên thương hiệu cho sản phẩm, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần vào sự thành công của mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp từ Chương trình OCOP một cách bền vững.
Bên cạnh đó, hiện nay khi ngành du lịch đang có những bước phát triển mạnh mẽ, khách du lịch cũng có nhu cầu rất lớn về việc thưởng thức ẩm thực; mua các sản phẩm lưu niệm, hàng đặc sản, thủ công mỹ nghệ... Vì thế, các địa phương cần đặc biệt quan tâm tới việc kết nối giữa ngành thương mại và ngành du lịch.
Theo Quân đội nhân dân online