Để Chương trình OCOP ở tỉnh Kon Tum phát triển mạnh

Để Chương trình OCOP ở tỉnh Kon Tum phát triển mạnh

Việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh nếu phát triển tốt sẽ góp phần hạn chế tình trạng sản phẩm nông nghiệp trong nước “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”; tạo ra sản phẩm hàng hoá qua chế biến phong phú, đa dạng và có chất lượng phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu; tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống người dân nông thôn.

 

Trong xu thế toàn cầu hóa, một địa phương, một quốc gia muốn giàu mạnh không thể đứng ngoài “cuộc chơi” trong quá trình hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới. Nghĩa là địa phương đó, quốc gia đó phải có những thương hiệu sản phẩm không chỉ đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn cả trong khu vực và thế giới, kể cả người tiêu dùng ở các quốc gia phát triển vốn “khó tính”.

 

Trước những yêu cầu đặt ra trong “sân chơi” toàn cầu, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 7/5/2018 phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020.

 

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 12/12/2018, UBND tỉnh có Quyết định số 1329/QĐ-UBND ban hành “Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là OCOP tỉnh).

 

Trong Chương trình OCOP, tỉnh sẽ đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để giúp người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng

Thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Việc phát triển OCOP góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, hình thành nên những mối quan hệ sản xuất mới cho kinh tế tập thể, nhất là kinh tế hợp tác xã, nâng cao năng lực và tiềm lực kinh tế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo điều kiện góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và tạo ra những động lực mới cho các địa phương phát triển.

 

Thông qua việc thực hiện Đề án OCOP, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã ở tỉnh phát triển được 129 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, trong đó có 41 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 36 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 41 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược, 5 sản phẩm nhóm sản phẩm vải - may mặc và 6 sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch nông thôn.

 

Trong số các sản phẩm trên, có 9 sản phẩm (rau-hoa xứ lạnh, rau củ quả VietGAP, bún tươi, nước giải khát sâm dây, cao sâm dây, rượu sâm dây, dê Măng Đen, cà phê, đường) có đăng ký công bố chất lượng, 1 sản phẩm (sâm Ngọc Linh) có đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

 

Tham gia vào quá trình phát triển OCOP, toàn tỉnh có 224 chủ thể sản xuất là doanh nghiệp, tổ hợp tác và hợp tác xã tham gia sản xuất. Điều đáng nói là tỉnh quy hoạch sản phẩm, dịch vụ thực hiện chương trình OCOP có địa chỉ cụ thể ở các địa phương theo từng giai đoạn phát triển.

 

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển OCOP ở tỉnh còn những tồn tại như: Một số doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã chưa có chiến lược đầu tư xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và chưa thực sự gắn kết với Chương trình xây dựng nông thôn mới; quy mô sản xuất nhỏ, nhiều đơn vị chưa gắn với chế biến và xúc tiến thương mại nên giá trị sản phẩm còn thấp, sức cạnh tranh trên thị trường không cao...

Trồng rau an toàn ở Măng Đen

Trước yêu cầu đặt ra, để Chương trình OCOP trong thời gian đến phát triển, đòi hỏi các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như đưa Chương trình OCOP thành nghị quyết của các cấp ủy đảng và công tác trọng tâm của chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo ra hiệu ứng xã hội để ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia phát triển OCOP.

 

UBND tỉnh sớm thành lập hệ thống bộ máy chỉ đạo điều hành, bộ phận tham mưu giúp việc, hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm; hệ thống tư vấn OCOP; xây dựng và phát triển hệ thống đối tác OCOP; các chính sách (hỗ trợ tín dụng, khoa học - công nghệ, xúc tiến thương mại...) phát triển OCOP.

 

Trong việc thực hiện các chính sách trên, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ phát triển OCOP có vai trò quan trọng.

 

Duy trì tốt mối quan hệ hiện có với các tổ chức quốc tế và tranh thủ sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về tài chính, trang thiết bị, kỹ thuật... để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất kinh doanh xây dựng thương hiệu, phát triển OCOP.

 

Việc phát triển OCOP sẽ phát huy được nội lực, lợi thế so sánh của mỗi địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời thay đổi tư duy, cách làm và tính chủ động của người dân trong sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường, xây dựng nông thôn mới bền vững và tạo ra những động lực mới cho tỉnh nhà phát triển mạnh./.

VPĐP NTM TW

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất