Triển khai Kế hoạch Đề án Mỗi xã một sản phẩm ở Kon Tum

Triển khai Kế hoạch Đề án Mỗi xã một sản phẩm ở Kon Tum

Hội nghị triển khai kế hoạch đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum năm 2019 gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng.

Sáng 11/10, tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum diễn ra "Hội nghị triển khai kế hoạch đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum 2019 gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng".

Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai kế hoạch đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum 2019 gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng.

Hội nghị do UBND tỉnh Kon Tum phối hợp cùng Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn chủ trì tổ chức nhằm phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp tỉnh Kon Tum hướng đến tham gia chương trình Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum năm 2019 (gọi tắt là chương trình OCOP).

Tại Hội nghị còn có cộng đồng doanh nghiệp SSDe, Tổ OCOP tỉnh Kon Tum và Công ty cổ phần VietNamTrade Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Chương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn Kon Tum cho biết, để thực hiện chương trình chương trình này cần phải đào tạo và cấp chứng chỉ cho đội ngũ cán bộ hệ thống OCOP của tỉnh về hình thành và tái cơ cấu các Hợp tác xã, doanh nghiệp. Đặc biệt, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Tổ chức sản xuất... và đào tạo CEO của các SMEs, HTX, trưởng các tổ hợp tác và chủ hộ đăng ký kinh doanh tham gia phát triển sản phẩm OCOP.

Lãnh đạo Sở, chuyện gia và doanh nghiệp trao đổi các giải pháp.

Thạc sỹ Đỗ Văn Long - Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Blockchain - chia sẻ và nói về dự án nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu bằng giải pháp truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ Blockchain.

Theo ông Long, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị chính là khẳng định giá trị của mình. Sau khi sử dụng sản phẩm này, người chủ của sản phẩm sẽ cho người tiêu dùng thấy được nguồn gốc từ thời điểm ban đầu đến khi dùng. Đây là một lợi thế của nhà nông, để chứng minh được sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ông Tô Nghĩa - Giám đốc Trung tâm sáng tạo Trông Hội chia sẻ, để khẳng định sự hiện diện của mình trên thị trường kinh doanh thì việc thiết kế bộ nhận diện thương hiệu là yếu tố quan trọng và bắt buộc phải có đối với một doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự chụp hình tại buổi Hội nghị.

Ông Nghĩa nhận định: "Một thương hiệu được đầu tư chuyên nghiệp sẽ tái khẳng định tầm vóc, sự nghiêm túc của doanh nghiệp đó đối với khách hàng và đối tác".

Tại hội nghị, ông Nghĩa đưa ra nhiều mẫu quảng cáo của các thương hiệu lớn tại Việt Nam và mẫu thương hiệu cho các sản phẩm đã từng làm.

Ông Lê Văn Hùng - Chuyên gia marketing cho biết, các doanh nghiệp nhỏ có nhà máy sản xuất nên chú trọng đến việc tìm kiếm khách hàng, gia công nhằm tối đa hóa sản xuất, tạo lợi nhuận và song song với việc phát triển thương hiệu riêng.

"Các doanh nghiệp cần rà soát lại tất cả các thông tin trong và ngoài doanh nghiệp để xác định thế mạnh của riêng mình. Đồng thời, xác định doanh nghiệp mình đang ở đâu. Cần phải biết tận dụng thế mạnh của các doanh nghiệp khác như: phân phối, marketing... để cùng hợp tác và phát triển", ông Hùng nhấn mạnh.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất