Sản phẩm OCOP: Nón Ngựa Phú Gia

Sản phẩm OCOP: Nón Ngựa Phú Gia

Nón lá là một hình ảnh rất đặc trưng, gắn liền với trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Những chiếc nón quai thao của các cô gái xứ Bắc, nón bài thơ của cô gái Huế đã đi vào thi ca, càng tôn thêm nét quyến rũ, duyên dáng của phụ nữ Việt Nam… Chiếc nón ngựa Phú Gia của các cô gái đất võ Bình Định cũng vậy, nó được tạo nên từ bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ thủ công gắn bó với nghề, tạo nên nét văn hóa riêng của miền đất võ.

Nón ngựa Phú Gia của tỉnh Bình Định

Cơ sở sản xuất: Làng nghề nón ngựa Phú Gia, tỉnh Bình Định

Giới thiệu sản phẩm:

Nón lá là một hình ảnh rất đặc trưng, gắn liền với trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Những chiếc nón quai thao của các cô gái xứ Bắc, nón bài thơ của cô gái Huế đã đi vào thi ca, càng tôn thêm nét quyến rũ, duyên dáng của phụ nữ Việt Nam… Chiếc nón ngựa Phú Gia của các cô gái đất võ Bình Định cũng vậy, nó được tạo nên từ bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ thủ công gắn bó với nghề, tạo nên nét văn hóa riêng của miền đất võ.

Ở làng Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, bên những rặng tre yên ả và những cây rơm còn thơm mùi rạ, hơn 300 năm qua, người dân nơi đây đã gắn liền với nghề làm nón ngựa, một sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của miền đất võ.

Ở vùng đất võ Bình Định, những chiếc nón có bịt bạc, chạm trổ hình rồng phượng trên đỉnh nón ngày xưa được giới quan lại, địa chủ dùng để đội khi cưỡi ngựa chính là lý do chiếc nón Phú Gia được gọi là nón ngựa.

Theo những nghệ nhân cao niên ở làng, nguyên liệu dùng làm nón ngựa là cây giang làm sườn, lá kè (cọ) làm lá lợp nón, cây dứa (thơm tàu) thì chải ra làm chỉ. Dụng cụ để sản xuất gồm lồng tre (để sấy khô lá kè), kéo chuyên dụng (cắt lá kè), dao vuốt (chẻ) nang sườn, bàn chốt nang (có những lỗ tròn nhiều kích cỡ khác nhau để tướt nang tròn đều), kim chuyên dụng chằm nón, khuôn nón mẫu. Ngày nay chỉ được thay thế bằng cước mịn, còn giang, cọ thông thường thì được lấy từ vùng núi Vân Canh. Để có một sản phẩm là chiếc nón ngựa đẹp thường phải qua bốn công đoạn cơ bản:

Tạo sườn mê: Rễ cây giang lấy từ trên núi đem phơi khô, chẻ thành những sợi nhỏ mỏng như sợi cước. Cách thức đan nang theo kiểu đan giỏ, các lỗ nang có hình lục giác tạo thành một miếng mê lớn.

Thắt nang sườn: Đặt miếng mê lên khuôn nón mẫu, khâu vành nang dưới cùng để tạo sườn hình nón. Tiếp đến là khâu sườn đứng và sườn ngang bằng các sợi giang có kích cỡ như sợi tăm. Hai công đoạn làm sườn nón này phải do những người thợ chuyên nghiệp thực hiện.

Thêu hoa văn trên sườn: Thông thường được thêu hoa văn theo các đề tài “long, lân, quy, phụng”, “lưỡng long tranh châu”, “mai, lan, cúc, trúc”, câu thơ, câu đối hoặc những cảnh vật trên nang sườn.

Lợp lá chằm chỉ: Ở công đoạn cuối cùng này, người ta hái lá kè tươi từ vùng núi Vĩnh Thạnh, Gia Lai về; lá được xử lý công phu, tước bỏ sống lá, phơi khô trong bóng râm, đặt trên chậu lửa và lồng tre để xông lá cho chín; sau đó đem ra ngoài trời phơi sương, hơ lửa để vuốt cho lá được thẳng, phẳng. Người thợ dùng kéo chuyên dụng có bản mỏng, lưỡi dài để cắt lá thành từng miếng nhỏ theo chiều cao nón. Xếp chồng mép mí lá bủa (xòe) đều xung quanh sườn nón từ đỉnh xuống. Sau khâu lợp lá, người ta bắt đầu chằm (khâu) lá vào sườn nón, chỉ chằm nằm dưới mí lá nên nhìn bên ngoài không thấy đường chằm. Để có một chiếc nón đẹp, việc chằm nón cần phải chú ý đến từng đường kim mũi chỉ phải thật khéo để lá kết chằm vào sườn không bị nghinh, bị lật mà trông nón vẫn thanh./.

VPĐP NTM TW

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất