Tỉnh Vĩnh Phúc sở hữu nhiều sản phẩm OCOP

Tỉnh Vĩnh Phúc sở hữu nhiều sản phẩm OCOP

Theo kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 thì tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển và tiêu chuẩn hóa 13 sản phẩm thế mạnh và phấn đấu các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên gồm: Thanh long ruột đỏ (Lập Thạch); su su, trà hoa vàng, ba kích (Tam Đảo); chuối tiêu hồng (Yên Lạc); rau an toàn (Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Yên); dưa chuột an toàn, gạo Long Trì, trứng gà an toàn (Tam Dương); thịt gà an toàn (Tam Dương, Tam Đảo); thịt lợn an toàn Phát Đạt, thịt lợn thảo dược (Phúc Yên); rắn và các sản phẩm chế biến từ rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường).

Thanh long ruột đỏ Lập Thạch,  sản phẩm OCOP giá trị cao của Vĩnh Phúc

Sau một năm triển khai Chương trình OCOP, kết quả mang lại cho thấy đã xây dựng, giúp nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư khu vực nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 225 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm hơn 35% số lượng hợp tác xã) với tổng số hơn 83.000 thành viên; trong đó có 159 hợp tác xã tổng hợp; 42 hợp tác xã chăn nuôi; 22 hợp tác xã trồng trọt và 2 hợp tác xã thủy sản. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã nông nghiệp đạt khoảng 930 triệu đồng/năm.Chương trình được triển khai theo 6 bước gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn về Chương trình OCOP; nhận phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá và phân hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại. Chương trình đặt mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, sản xuất kinh doanh để sản xuất một sản phẩm truyền thống có lợi thế đạt chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân gắn với thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2017-2020.

Là một trong những hợp tác xã đầu tiên trong cả nước ứng dụng triển khai phần mềm VietGAP điện tử trong trồng trọt, Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc là một mô hình về phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả khá tích cực. HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh hiện có quy mô gần 12 ha sản xuất rau an toàn, mỗi tháng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục tấn rau, củ, quả an toàn các loại. Nhờ phần mềm này mà sản lượng rau của hợp tác xã trong 2 tháng nay đều tăng hơn từ 5 - 10% so với trước đây.

Tuy đã đạt được những thành công bước đầu nhưng hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của Vĩnh Phúc vẫn chưa ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chủ yếu là sản xuất thủ công; các chủ thể sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết trong sản xuất còn thấp.

Việc tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh còn thụ động, dẫn đến hiệu quả, tính bền vững chưa cao, chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm.

Để thực hiện có hiệu quả OCOP trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với các địa phương tập trung hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với mô hình chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu chất lượng của thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chí đánh giá, xếp hạng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tạo điều kiện để các sản phẩm tham gia hội chợ OCOP, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tích cực đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ quản lý chương trình OCOP các cấp trong các lĩnh vực: Quản trị - kinh doanh, chiến lược sản phẩm, phân phối sản phẩm và xúc tiến thương mại./.

VPĐP NTM TW

 

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất