Triển vọng từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nam Định

Triển vọng từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nam Định

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 với mục tiêu: phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Chương trình OCOP được triển khai ở toàn bộ khu vực nông thôn, tùy vào điều kiện thực tiễn có thể triển khai ở khu vực đô thị phù hợp. OCOP gồm các loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Chủ thể thực hiện chương trình là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Chương trình OCOP được triển khai theo các bước: tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất, kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại. 6 nhóm sản phẩm, dịch vụ phát triển theo OCOP là: thực phẩm (nông sản tươi sống và chế biến); đồ uống (có cồn và không cồn); thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí (các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may,... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng); dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng (các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu,...). Các sản phẩm được đánh giá và xếp hạng theo Bộ tiêu chí dựa trên Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; các bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) tương ứng. Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP gồm 3 phần: đánh giá sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị sản phẩm và chất lượng sản phẩm. Sau khi đánh giá, các sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 1 đến 5 sao.

Tranh thêu tay của làng nghề truyền thống Phú Nhai, xóm Bắc, xã Xuân Phương là 1 trong 4 sản phẩm của huyện Xuân Trường tham gia chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020.

OCOP là cơ hội để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, qua đó tăng thu nhập cho người dân và đẩy mạnh phát triển nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững ở tỉnh ta. Theo các nhà chuyên môn, tỉnh ta hiện đang có khá nhiều sản phẩm đặc trưng của những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh; hệ thống làng nghề, làng nghề truyền thống với lịch sử hình thành từ vài chục đến hàng nghìn năm. Thêm một thế mạnh khác nữa là các sản phẩm dịch vụ như: du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng. Đây là những điều kiện khách quan rất thuận lợi để tỉnh ta triển khai thực hiện chương trình OCOP. Các huyện Hải Hậu, Giao Thủy có cơ sở để phát triển mạnh dịch vụ du lịch biển; các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản thì có tiềm năng trong phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với các lễ hội truyền thống; huyện Nam Trực lại có thế mạnh về du lịch sinh thái gắn với kinh tế sinh vật cảnh… Nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn đã có thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước như: gạo tám Hải Hậu; ngao Giao Thủy, nước mắm (Sa Châu, Ninh Cơ, Giao Hải), cá bống bớp Nghĩa Hưng, bánh nhãn Hải Hậu... Trên cơ sở đánh giá toàn diện những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, ngày 12-12-2018 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND triển khai thực hiện chương trình OCOP tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2020 nhằm lựa chọn các sản phẩm chủ lực có tiềm năng, lợi thế phát triển của các địa phương để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các biện pháp nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểm soát chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc... Để triển khai thực hiện chương trình đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện chương trình cho Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh; thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (gồm lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh); chỉ đạo UBND các huyện, thành phố bổ sung nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM địa phương; triển khai thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện; giao UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức lựa chọn sản phẩm thực hiện chương trình. Ngày 30-1-2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 với những mục tiêu và lộ trình cụ thể: giai đoạn 2018-2020 hoàn thiện hệ thống chỉ đạo, điều hành chương trình từ cấp tỉnh, cấp huyện và các xã/phường/thị trấn và hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện cho khoảng 160 sản phẩm đạt các tiêu chí sản phẩm OCOP; giai đoạn 2021-2030: đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, phấn đấu đến năm 2030 mỗi xã, thị trấn trong tỉnh đều có sản phẩm OCOP (trong đó có khoảng 5% sản phẩm đạt hạng 5 sao; 40% sản phẩm đạt hạng 4 sao). Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang triển khai xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định và danh mục 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình, phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các xã, phường, thị trấn căn cứ vào tình hình thực tiễn tổ chức rà soát, đánh giá, lựa chọn các sản phẩm đưa vào chương trình.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 160 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. UBND tỉnh đã lựa chọn 60 sản phẩm của 10 huyện, thành phố để triển khai các bước thực hiện Chương trình OCOP trong các năm 2019, 2020. Trong đó, huyện Giao Thủy có 11 sản phẩm với đa dạng các nhóm như: dịch vụ du lịch (du lịch biển Quất Lâm, du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân, du lịch Bảo tàng đồng quê xã Giao Thịnh); thực phẩm (nem nắm, nước mắm, miến dong, rượu, mật ong sú vẹt, ngao); vải và may mặc (váy cưới). Huyện Hải Hậu có 10 sản phẩm thế mạnh và đặc trưng riêng như: thực phẩm (gạo tám, gạo tám xoan, nếp cái hoa vàng, nước mắm, cá diêu hồng, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, bánh nhãn, trứng gà sạch) và du lịch biển Thịnh Long. Các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Ý Yên mỗi huyện có 7 sản phẩm; huyện Vụ Bản có 6 sản phẩm; huyện Xuân Trường có 4 sản phẩm; huyện Mỹ Lộc và Thành phố Nam Định mỗi đơn vị có 3 sản phẩm; huyện Nam Trực có 2 sản phẩm. Các sản phẩm tham gia chương trình sẽ được Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh/huyện thẩm định, đánh giá. Trước mắt, đối với những sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, được tham gia trưng bày, quảng bá tại Hội chợ thương mại các sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định (dự kiến được tổ chức vào tháng 9 hàng năm) và được gửi đi tham gia bình chọn các cấp cao hơn. Trong thời gian tiếp theo, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đồng bộ những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực đối với các sản phẩm OCOP của các địa phương.

Việc triển khai thực hiện tốt Chương trình OCOP hứa hẹn là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của nhân dân trên địa bàn tỉnh./.

Theo Thành Trung, Báo Nam Định

 

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất