Kỳ vọng vào sản phẩm du lịch thông minh tham gia Chương trình OCOP

Kỳ vọng vào sản phẩm du lịch thông minh tham gia Chương trình OCOP

Chương trình OCOP dẫu là một chương trình hoàn toàn mới mẻ nhưng với ưu thế đa dạng về sản phẩm sẵn có, quy trình OCOP tại Quảng Nam được đánh giá khá thành công.

“Cái quan trọng nhất của OCOP giai đoạn đầu tiên là chọn những sản phẩm vốn đã có ở địa phương. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã tổ chức chấm chọn 2 cấp với 35 sản phẩm tham gia thí điểm. Với kết quả bước đầu chấm chọn 15 sản phẩm, Quảng Nam là 1 trong 3 tỉnh thành tổ chức được việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Các sản phẩm tham gia phương án thí điểm đã được chuẩn hóa, chưa kể một số địa phương đã khá chủ động, tích cực, quyết liệt triển khai chương trình” - ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ.

Các địa phương có sản phẩm tham gia OCOP năm 2018 nhiều và quan tâm mạnh mẽ đến chương trình phải kế đến Tiên Phước, Hội An, Tây Giang, Hiệp Đức, Tam Kỳ... Bà Nguyễn Thị Xuân Vui - Phó phòng Kinh tế Hội An cho biết, để có sản phẩm riêng có của Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách là hết sức cần thiết.

“Chương trình OCOP đã khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, con người, thị trường, gắn với phát triển du lịch của địa phương. Năm 2018, Hội An chọn 3 chủ thể tham gia: Công ty TNHH Đại Chí Food, Công Ty TNHH Hoa Nam và cơ sở bánh đậu xanh Bông. Chúng tôi nỗ lực rất nhiều trong việc phối hợp thực hiện, đảm bảo đúng quy trình và hồ sơ theo yêu cầu. Cán bộ phụ trách và tổ giúp việc chương trình OCOP đã trực tiếp tư vấn, hỗ trợ cho các chủ thể các khâu về nâng cao, hoàn thiện sản phẩm như: thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác, kiểm định chất lượng sản phẩm, máy móc thiết bị tiên tiến, xây dựng câu chuyện sản phẩm…, và quan trọng hơn hết là trực tiếp giúp các chủ thể hoàn thiện đầy đủ hồ sơ sản phẩm để tham gia công tác đánh giá xếp hạng sản phẩm” - bà Vui cho biết thêm.

Phần lớn chủ thể OCOP có sản phẩm tham gia xếp hạng năm 2018 đều cho rằng đây là một chương trình mà từ người nông dân đến người sản xuất phải xây dựng được chuỗi giá trị để người tiêu dùng tin cậy.

“Kích thích người sử dụng sản phẩm sẽ góp phần giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Từ thị trường tiêu thụ mạnh chúng tôi sẽ mua thêm nhiều sản phẩm của nông dân với giá cao để người dân ổn định sản xuất theo hướng hàng hóa chứ không còn tiểu nông nữa” - ông Nguyễn Văn Nhật - Giám đốc HTX Nhật Linh nói.

Khi đưa công nghiệp chế biến vào nông nghiệp sẽ thay đổi được tư duy sản xuất của nhà nông, hướng đến nền sản xuất hàng hóa một cách chuyên nghiệp. Chị Nguyễn Thị Minh Thủy - Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ nấm Nhì Tây (Hiệp Đức) cho biết, những người nông dân làm nấm bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất lẫn kinh doanh khi họ được lựa chọn sẽ phát triển dòng sản phẩm của mình thành đặc sản, thành sản phẩm của OCOP.

“Nằm trong danh mục chủ thể OCOP với việc lựa chọn dòng nấm bào ngư để phát triển thành sản phẩm thế mạnh và chuyên biệt, hiện tại các khâu về bao bì, nhãn mác, kiểm định chất lượng của HTX Sản xuất chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây đã xem như hoàn tất. HTX đã dành nguồn kinh phí hơn 100 triệu đồng để làm lại tất cả khâu thiết kế bao bì, logo nhãn hiệu. HTX cũng đã hoàn tất thủ tục về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là những phần việc hầu như trước đây HTX không quan tâm” - chị Nguyễn Thị Minh Thủy chia sẻ.

Hiểu được như thế nào là giá trị của một thương hiệu cũng như hình thành con đường phát triển chuyên biệt từ chính vùng nguyên liệu, thế mạnh của địa phương, OCOP Quảng Nam đang từng ngày hoàn thiện để giúp đưa sản phẩm vươn tới các thị trường rộng lớn.

Tăng cường tuyên truyền quảng bá

Tại Hội nghị Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình OCOP năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tiếp tục yêu cầu Ban chỉ đạo các chương trình Mục tiêu quốc gia đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện các phần việc của chu trình OCOP năm 2019.

Tin tưởng vào thành công của chu trình OCOP giai đoạn tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam đã làm được, tạo được một nền tảng, một đà vững chắc cho chương trình OCOP của những năm tiếp theo.

“Phải đẩy mạnh công tác của chính quyền. Tất cả mọi người ở từng vị trí phải hiểu về chương trình OCOP, tính nhân văn, tính kinh tế, tính chính trị, tính xã hội của chương trình này như thế nào. Phải để người dân thấy được tất cả các bên đều có lợi trong chương trình OCOP này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Một nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho thời gian tới là tích cực tuyên truyền quảng bá mạnh hơn đối với những sản phẩm OCOP đã được xếp hạng năm 2018, kể cả đối với những sản phẩm đã đăng ký nhưng chưa đạt đều cần phải hỗ trợ truyền thông để tạo động lực cho các chủ thể tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.

“Đành rằng chúng ta có rất nhiều sản phẩm nhưng không phải tất cả đều tham gia OCOP được. Những sản phẩm nào có khả năng tham gia OCOP thì tích cực tham gia và kiên trì theo từ đầu đến cuối chương trình. Cần phải xác định chính xác sản phẩm và hoàn thiện hồ sơ để đăng ký. Đó là yêu cầu của năm 2019. Chúng ta không giới hạn, ngoài danh mục 95 sản phẩm thì vẫn tiếp tục có những sản phẩm mới, nếu thấy đáp ứng đủ điều kiện thì đăng ký” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định.

Tiếp cận, mở rộng thị trường

Việc tạo điều kiện tiếp cận thị trường được xác định rất quan trọng cho năm 2019 này. “Ngoài câu chuyện các chủ thể tự bán hàng thì cơ quan chức năng cần hỗ trợ. Điều cần thiết hiện nay là khẩn trương xây dựng Trung tâm OCOP tại Hội An. Bên cạnh đó, TP.Đà Nẵng và Quảng Nam có ký kết chương trình hợp tác tiêu thụ nông sản với điều kiện là đảm bảo chất lượng đầu vào của sản phẩm. Sở NN&PTNT cần làm việc với cơ quan thường trực của TP. Đà Nẵng để chuẩn bị một hội nghị đánh giá giữa hai địa phương. Tôi sẽ đề nghị TP.Đà Nẵng cùng hỗ trợ Quảng Nam để xây dựng một Trung tâm OCOP của Quảng Nam tại Đà Nẵng” - ông Thanh chia sẻ.

Mở rộng thị trường và vươn đến những thị trường lớn như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng như hình thành hai Trung tâm OCOP của Quảng Nam ở hai thành phố này, định kỳ có các phiên chợ nông sản tại Đà Nẵng, nghiên cứu 6 tháng tổ chức một phiên chợ nông sản Quảng Nam ở những trung tâm lớn như Tam Kỳ hay Hội An để hỗ trợ sản phẩm của OCOP... là câu chuyện cần phải tính toán trong thời gian đến của các cơ quan chuyên môn.

Chưa kể, kết nối doanh nghiệp với chủ thể sản xuất OCOP cũng như xác định phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mới giúp sản phẩm OCOP phát triển mạnh. Theo đó, các ngành cần hướng dẫn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, giúp cơ sở sản xuất kinh doanh công bố sản phẩm. Vận động cơ sở hộ gia đình liên kết thành quy mô sản xuất lớn hơn để tăng tính cộng đồng, tính cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, tăng hàm lượng văn hóa của sản phẩm bằng việc hình thành và xây dựng vùng nguyên liệu, tiếp cận và sử dụng các nguồn lực từ khoa học công nghệ, khuyến công, xúc tiến thương mại là điều được yêu cầu tính toán trong giai đoạn tiếp theo.../.

VPĐP NTM TW


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất