Tiền Giang khởi động Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Tiền Giang khởi động Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Ngày 28/01/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-UBND triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP Tiền Giang).

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (One commune one product - OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018. Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng. Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Bên cạnh đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (giảm bớt tình trạng dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Chương trình được thực hiện với hai nguyên tắc: sản phẩm hướng tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chương trình xác định 6 nhóm hàng hoá, dịch vụ để thực hiện là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải - may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó sản phẩm hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Tính đến nay, Chương trình OCOP đã chính thức được triển khai tại nhiều tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc, trong đó có tỉnh Tiền Giang.

Tại Tiền Giang, Chương trình OCOP được triển khai thực hiện tại địa bàn các xã khu vực nông thôn trong toàn tỉnh; đồng thời khuyến khích các địa phương tùy vào điều kiện thực tiễn, triển khai phù hợp ở khu vực đô thị; thời gian thực hiện 2019 – 2020. Chương trình đặt ra bốn mục tiêu cụ thể: (i) tiêu chuẩn hóa ít nhất 10 sản phẩm chủ lực hiện có trên địa bàn các xã để xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP; (ii) phát triển ít nhất 02 làng văn hóa du lịch đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP; (iii) khuyến khích tổ chức kinh tế sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch hiện có tham gia Chương trình OCOP Tiền Giang; (iv) đào tạo, tập huấn kiến thức cho 100% đội ngũ quản lý nhà nước (cấp tỉnh, huyện, xã) thực hiện Chương trình OCOP Tiền Giang và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia về chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn thực hiện chương trình OCOP chủ yếu là nguồn xã hội hóa nguồn và vốn ngân sách hỗ trợ một phần.

Chương trình OCOP Tiền Giang xác định 14 loại thực phẩm,  2 loại đồ uống và 2 nhóm sản phẩm dịch vụ bán hàng, du lịch nông thôn sẽ được tập trung chuẩn hóa và phát triển trong giai đoạn 2019-2020. Nhiều sản phẩm trong số đó là sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng của Tiền Giang, phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng khuyến khích các chủ thể sản xuất đăng ký các sản phẩm khác phù hợp với tiêu chí sản phẩm OCOP hiện hành theo nhu cầu thực tế của mình để thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2020.

Các sản phẩm được tập trung chuẩn hóa và phát triển thuộc Chương trình OCOP Tiền Giang giai đoạn 2019 – 2020

STT

Nhóm sản phẩm/

Loại sản phẩm

Chủ thể sản xuất

Địa phương thực hiện

I

Nhóm Thực phẩm

1

Xoài cát Hòa Lộc

Hợp tác xã Hòa Lộc

xã Hòa Hưng – huyện Cái Bè

2

Sầu riêng và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng

Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp

xã Ngũ Hiệp – huyện Cai Lậy

3

Lạp xưởng tươi Cai Lậy

Cơ sở sản xuất lạp xưởng Tuyết; Cơ sở sản xuất lạp xưởng Hiền

Phường 4 – thị xã Cai Lậy

4

Khóm tươi, Mứt khóm

Hợp tác xã Quyết Thắng

xã Tân Lập 2 –H uyện Tân Phước

5

Trứng cút Nguyễn Hồ

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Hồ

xã Long An – huyện Châu Thành

6

Bánh bún hủ tiếu Mỹ Tho

Làng nghề bánh – bún – hủ tiếu Mỹ Tho

xã Mỹ Phong – Thành phố Mỹ Tho

7

Bưởi da xanh Mỹ Tho

Các Tổ hợp tác trên địa bàn xã

xã Tân Mỹ Chánh – Thành phố Mỹ Tho

8

Thanh long Chợ Gạo

Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An

xã Mỹ Tịnh An – huyện Chợ Gạo

9

Gạo VD20 Gò Công

Công ty TNHH Vinh Hiển

xã Bình Nhì – huyện Gò Công Tây

10

Sơri tươi, mứt Sơri,

Hợp tác xã Sơ ri Bình Ân Gò Công Đông

xã Bình Ân – huyện Gò Công Đông

11

Rau an toàn

Hợp tác xã Rau an toàn Tân Đông;

xã Tân Đông – huyện Gò Công Đông;

Hợp tác xã Rau an toàn Gò Công

xã Long Hòa – thị xã Gò Công

12

Gà ta Gò Công

Hợp tác xã Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công

xã Bình Đông – thị xã Gò Công

13

Mắm tôm chà Gò Công

Cơ sở sản xuất Kim Sa;

Cơ sở sản xuất Bà Hai

Phường 2, Phường 5 – thị xã Gò Công

14

Mãng cầu xiêm tươi

THT mãng cầu xiêm Tân Phú; DNTN Phượng Đạt

xã Tân Phú – huyện Tân Phú Đông

II

Nhóm Đồ uống

1

Rượu Sơri, nước ép Sơri

Hợp tác xã Sơ ri Bình Ân Gò Công Đông

xã Bình Ân – huyện Gò Công Đông

2

Trà mãng cầu xiêm

Công ty TNHH Travipha

xã Phú Thạnh – huyện Tân Phú Đông

III

Nhóm sản phẩm dịch vụ bán hàng, du lịch nông thôn

1

Làng cổ Đông Hòa Hiệp

Công ty CP Thương mại dịch vụ du lịch Cái Bè

xã Đông Hòa Hiệp – huyện Cái Bè

2

Du lịch Thới Sơn

Hộ dân

xã Thới Sơn – thành phố Mỹ Tho

Trên thế giới, Chương trình mỗi xã (hay mỗi làng, mỗi cộng đồng) một sản phẩm đã được thực hiện ở nhiều nước với các tên gọi tương tự nhau. Ở Nhật Bản phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" (One Village One Product - OVOP) được khởi xướng đầu tiên ở tỉnh Oita từ những năm 1980 và lan rộng trên khắp Nhật Bản, tạo một động lực lớn trong phát triển nông thôn. Mỗi làng lựa chọn ra sản phẩm đậm nét đặc trưng, có tiềm năng tiếp cận thị trường để phát triển. Phong trào này được thực hiện với các nguyên tắc: (1) hành động địa phương – hướng tới toàn cầu, nghĩa là nhận biết và khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương và phát triển chúng thành các sản phẩm có khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu bằng cách gia tăng giá trị cho chúng và theo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế; (2) tự lực – tự tin và sáng tạo, nghĩa là để có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, người dân cần liên tục phát triển giá trị độc đáo của riêng mình, bằng tinh thần sáng tạo của chính mình; (3) phát triển nguồn nhân lực, nghĩa là tạo ra nguồn nhân lực bền vững, có trình độ và có tính mạng lưới, thông qua OVOP, lãnh đạo cộng đồng, người đứng đầu các tổ chức kinh tế. Người dân là chủ thể chính thực hiện, còn chính quyền đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, trợ giúp tài chính và đào tạo nguồn nhân lực…. Từ thành công của phong trào OVOP Nhật Bản,  nhiều quốc gia khác đã học tập kinh nghiệm và triển khai một cách sáng tạo, hiệu quả; trong đó có Thái Lan. Chương trình "Mỗi làng/cộng đồng một sản phẩm" (One Tambon One Product- OTOP) được Thái Lan thực hiện từ năm 2000. Các sản phẩm của OTOP được người dân các làng phát triển, dựa trên tri thức và kinh nghiệm của bản thân. OTOP được triển khai thành chu trình thường niên, trong đó có tổ chức cuộc thi sản phẩm hàng năm ở cấp địa phương, cấp tỉnh và toàn quốc.

Có thể thấy Chương trình OCOP được triển khai theo nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh để gia tăng giá trị nguyên liệu bản địa ở các vùng nông thôn với chủ thể quan trọng là các tổ chức kinh tế (tập trung vào hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) và nhân tố quan trọng là sản phẩm đặc trưng có giá trị, chất lượng cao. Qua đó không chỉ giúp nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm địa phương và lan tỏa thương hiệu địa phương mà còn giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh và phát triển bền vững. Từ thực tiễn phát triển và kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã chứng minh đây là cách làm hay và cần được nhân rộng nhưng trong quá trình thực hiện cần phải chú ý đến nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Trong quá trình sản xuất cần chú ý nâng cao chất lượng, chú trọng sự đặc trưng hơn là số lượng. Đồng thời cũng cần chú ý yếu tố giá cả bởi lẽ động lực để nông dân tham gia chính là giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm giúp họ tăng thu nhập song giá cả cũng phải cạnh tranh tốt đối với các sản phẩm tương đồng trên thị trường.

Theo songoaivu.tiengiang.gov.vn

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất