Phát triển mô hình du lịch nông trại gắn với sản phẩm OCOP

Phát triển mô hình du lịch nông trại gắn với sản phẩm OCOP

Lào Cai là một trong những tỉnh đang chú trọng triển khai mô hình du lịch nông trại gắn với sản phẩm OCOP. Hiện nay tỉnh đang tập trung hoàn thiện nâng cấp sản phẩm tham gia OCOP đặc biệt là nhóm sản phẩm ngành dịch vụ du lịch.

Lào Cai là một trong những tỉnh đang chú trọng triển khai mô hình du lịch nông trại gắn với sản phẩm OCOP. Hiện nay tỉnh đang tập trung hoàn thiện nâng cấp sản phẩm tham gia OCOP đặc biệt là nhóm sản phẩm ngành dịch vụ du lịch.

Khi được phỏng vấn, chị Lê Thị Thanh Loan - Giám đốc Hợp tác xã Tả Phìn Xanh là người gắn bó lâu năm trong lĩnh vực du lịch, tháng 11/2018, chị chuyển từ hình thức kinh doanh hộ gia đình sang thành lập Hợp tác xã Tả Phìn Xanh. Trên cơ sở hoạt động kinh doanh cũ, hợp tác xã mở rộng, nâng cấp chuỗi dịch vụ. Với diện tích khoảng 1 ha, hợp tác xã có khu phòng nghỉ cho du khách (15 phòng); khu lễ tân; quầy bar; khu sản xuất hàng thêu, dệt; khu sử dụng dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ; khu trồng dược liệu, nông sản... Tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Phát triển du lịch trên nền bản sắc văn hóa và thân thiện với thiên nhiên, dịch vụ du lịch “Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn” của hợp tác xã đã được nhiều người biết tới, có nhiều thời điểm khách ở kín các phòng nghỉ.

Đến với “sân chơi” OCOP, ban đầu cảm thấy mới mẻ và mông lung, chưa định hình rõ hướng đi. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cùng sự kiên trì, tích cực tìm tòi, học hỏi của bản thân, sản phẩm dịch vụ của đơn vị ngày càng hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chí. Chị hy vọng, sản phẩm “Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn” sẽ sớm được công nhận là sản phẩm dịch vụ du lịch OCOP của tỉnh sẽ tiếp thêm động lực để các địa phương, đơn vị khác tiếp tục quan tâm, đầu tư thêm nhiều sản phẩm OCOP khác.

Ông Hà Quốc Trung, Phó trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, giàu bản sắc văn hóa, Lào Cai là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch, nhiều địa danh đã xuất hiện trên bản đồ du lịch như Khu du lịch quốc gia Sa Pa, “Cao nguyên trắng” Bắc Hà hoặc mảnh đất mây ngàn Y Tý (huyện Bát Xát)... Thực hiện chiến lược phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua, lĩnh vực du lịch được quan tâm đầu tư và khai thác hiệu quả. Tỉnh hiện có 375 cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay, tập trung ở các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên và thành phố Lào Cai. Đặc biệt, tỉnh lựa chọn 3 địa phương để phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng gồm thôn Na Lo (xã Tà Chải, huyện Bắc Hà); xã Tả Phìn (huyện Sa Pa); xã Y Tý (huyện Bát Xát). Đây đều là những vùng đất có cảnh quan tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa, người dân có ý thức trong việc vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan, xây dựng các phòng nghỉ để phục vụ du khách. Ngành du lịch đang phấn đấu và dự kiến phát triển điểm du lịch sinh thái cộng đồng Hà Nhì ở thôn Choản Thèn (xã Y Tý) là điểm du lịch kiểu mẫu trong năm 2019-2020.

Mô hình homestay ở thôn Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà.

Ngoài ra, các sản phẩm dịch vụ gắn với du lịch như mô hình tham quan, trải nghiệm, sản xuất các sản phẩm lưu niệm trên cơ sở nghề truyền thống ngày càng được đầu tư đa dạng. Từ những lợi thế của các địa phương, đơn vị có cơ sở để lựa chọn, tìm hướng phát triển các sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

Theo ông Hà Quốc Trung, với việc quan tâm, đầu tư và tham gia “sân chơi” OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch các địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.

Cùng quan điểm, ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, du lịch Lào Cai có nhiều tiềm năng để “đánh thức” và nâng cấp thành sản phẩm OCOP. Ngành “công nghiệp không khói” này đã và đang được tỉnh quan tâm, có nhiều chính sách khuyến khích phát triển và có định hướng lâu dài. Việc xây dựng các sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cộng đồng như khai thác, bảo tồn bản sắc văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân và gắn với phát triển du lịch bền vững.

Có thể nói, những tín hiệu vui về lượng khách du lịch đến Lào Cai, tổng doanh thu từ du lịch tăng qua từng năm đã cho thấy du lịch Lào Cai đi đúng hướng và được khai thác hiệu quả. Từ đây cũng mở ra nhiều cơ hội để các địa phương, đơn vị khai thác lợi thế sẵn có, xây dựng thành công những sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, đưa những sản phẩm đặc trưng “bước ra từ làng” tới người dân và du khách./.

VPĐP NTM TW


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất