Sản phẩm OCOP: Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương

Sản phẩm OCOP: Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương

Dù nhiều địa phương khác có thể có diện tích cây vải lớn hơn, nhưng Thanh Hà vẫn giữ gìn giá trị đặc biệt của quả vải Thanh Hà trong lòng khách hàng

 

Dưới hiên nhà rợp mát bóng cây, ông Hoàng Văn Lượm (cháu 5 đời của cụ Hoàng Văn Cơm, người có công đưa cây vải thiều tổ về đất Thanh Hà) ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện từ gần 200 năm trước. Đã trải qua nhiều đời nhưng câu chuyện đó vẫn được các con cháu của cụ Cơm "khắc cốt ghi tâm" như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. 

Thời trẻ, cụ Hoàng Văn Cơm thường buôn hoa quả ra Hải Phòng bán. Một lần, cụ cùng bạn bè dự tiệc với người nước ngoài, được ăn một loại quả thơm ngon nên cụ đã lấy 3 hạt mang về ươm tại vườn nhà ở thôn Thúy Lâm. Ba hạt sau đó đều nảy mầm thành cây. Lúc đó do chưa được chú ý chăm sóc nên hai cây bị chết, chỉ còn một cây sống. Cây vải ấy sau đó được đánh ra trồng ở nơi có thổ nhưỡng màu mỡ, thường xuyên được bồi đắp phù sa bởi sông Thái Bình và sông Văn Úc. Cây vải sinh trưởng tốt, hằng năm đều cho quả ngọt. Người dân trong làng thấy có loại cây mới, quả ngon nên đến xin chiết cành về trồng. Năm 1958, Bác Hồ từng khen đây là loại quả quý, ăn ngon và khuyến khích người dân nên phát triển giống vải quý này.

Trong những năm đất nước bước vào đổi mới, lãnh đạo huyện Thanh Hà khuyến khích người dân chuyển sang trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Những cánh đồng lúa chiêm trũng, năng suất thấp dần chuyển sang trồng vải đại trà. Cây vải đã trở thành cây kinh tế chủ lực của nông dân nơi đây. Sau này, nhiều người đi làm kinh tế mới ở các nơi đã chiết cành vải mang theo. Theo bước chân của những người con quê hương Thanh Hà, vải thiều đã phát triển mạnh ở các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Bình… Đặc biệt, một số người dân ở Thanh Hà đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đã mang theo giống vải Thanh Hà lên trồng, tạo nên vùng vải lớn nhất cả nước. Con cháu cụ Hoàng Văn Cơm vẫn lưu giữ một bức trướng nhân dân Lục Ngạn bày tỏ lòng biết ơn cụ Cơm đã đưa cây vải về trồng.

Đã từng có những năm người dân Thanh Hà phá bỏ cây vải hàng loạt do tiêu thụ khó khăn, cứ được mùa thì mất giá và ngược lại. Nhưng sức sống của loại cây truyền thống này vẫn luôn âm thầm, bền bỉ và có vị trí khá đặc biệt trong lòng người dân nơi đây. Những năm gần đây, với sự khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp, giao thông, tiêu thụ, giá trị kinh tế của cây vải đã được nâng lên đáng kể. Người dân Thanh Hà ngày càng chăm chút cây vải, áp dụng các quy trình VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng./.

 

VPĐP NTM TW


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất