Đa dạng hóa sản phẩm nông sản đặc sản

Đa dạng hóa sản phẩm nông sản đặc sản

Đa dạng hóa sản phẩm là xu thế tất yếu, vừa giúp giải quyết tốt hơn nguồn nguyên liệu tại chỗ, vừa tạo ra những giá trị mới từ những sản phẩm thô sẵn có tại địa phương, giúp nâng cao giá trị lên gấp nhiều lần và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Song hiện nay, các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, kinh doanh cá thể và doanh nghiệp (DN) vẫn chưa mấy quan tâm đến vấn đề này.

Sản phẩm nông sản đặc sản của Bến Tre trưng bày tại Hội chợ OCOP TP. Hồ Chí Minh.

Tạo nhiều sản phẩm mới

Xác định đa dạng hóa sản phẩm nông sản từ những sản phẩm truyền thống và mang tính đặc thù của địa phương là giải bài toán sản xuất nông nghiệp nhằm tạo sự ổn định, tránh tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú đã có kế hoạch và triển khai giải pháp này từ năm 2018. Đây là một xã ven biển, đất giồng cát, mô hình kinh tế chủ yếu là thủy sản, lúa - tôm, xoài tứ quý, dưa hấu, sắn, khoai lang… Cây xoài tứ quý đang dần chiếm ưu thế với trên 300ha đất giồng đã được người dân chuyển sang canh tác cây xoài trong tổng số 350ha (từ 150ha năm 2017 đã tăng lên 300ha vào năm 2018). Đây cũng là một trong các sản phẩm chủ lực của huyện được Huyện ủy xây dựng kế hoạch phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của huyện ngay từ đầu nhiệm kỳ.

HTX nông nghiệp xã Thạnh Phong đã được UBND huyện quan tâm, phối hợp với Dự án AMD cấp huyện đầu tư nhà xưởng, máy sấy và kho lạnh vào năm 2018, với tổng mức đầu tư cơ bản trên 1 tỷ đồng. So với tổng số hơn 100 HTX trong tỉnh hiện nay, mới chỉ có HTX nông nghiệp xã Thạnh Phong đã được đầu tư khâu sơ chế, sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Bước đầu, HTX cũng đã thử nghiệm sản xuất xoài sấy. Theo Ban giám đốc HTX, kế hoạch năm 2019, HTX sẽ đa dạng các sản phẩm OCOP của địa phương bằng cách đưa vào chế biến như củ sắn sấy, dưa sấy, khoai lang sấy, bánh tráng xoài…

Theo ông Trương Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phong, việc đầu tư chế biến theo hướng đa dạng sản phẩm giúp giảm thiểu rủi ro cho xã viên, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản đặc thù của địa phương, giúp cải thiện thu nhập, người nông dân an tâm với sản xuất.

Nhiều DN khởi nghiệp ở lĩnh vực nông thủy sản cũng đang bắt đầu chú trọng đến việc cần thiết phải vận dụng các thiết bị công nghệ vào sản xuất để sơ chế, chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới từ những sản phẩm truyền thống bản địa. Chị Trịnh Thị Ngọc Hiện - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nafoods, huyện Bình Đại cho biết, từ những sản phẩm nguyên liệu, hiện nay chị đã đa dạng trên 10 sản phẩm như tôm khô, chà bông cá chẻm, mắm tôm chua, chả cá măng, cá dứa 1 nắng, cá đù 1 nắng, tôm hấp…

Các DN ngành dừa cũng liên tục nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm mới, mẫu mã mới từ ngành dừa như nước dừa hữu cơ, sữa dừa dinh dưỡng, sữa tắm dừa, giấy thấm da dầu dừa. Riêng lĩnh vực mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp, ngành dừa đã có trên 30 sản phẩm, trong đó có 50% các sản phẩm này xuất khẩu ở các nước châu Á.

Sản phẩm nông sản đặc sản của Bến Tre được trưng bày tại Hội chợ OCOP TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 1-2019.

Một số DN ngành dừa tiết lộ, năm 2019 sẽ cho mắt thị trường các dòng sản phẩm mới phục vụ thị hiếu người tiêu dùng, tập trung vào chăm sóc sức khỏe và làm đẹp từ dừa...

Từng bước mở rộng thị trường

Đến với Hội chợ OCOP tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 1-2019, Bến Tre đã có hơn 200 sản phẩm OCOP của tỉnh từ 6 nhóm sản phẩm như: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí, sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và sản phẩm nông nghiệp, truyền thống. Trong đó có các DN, HTX, tổ hợp tác, các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia với 80 gian hàng. Hội chợ giới thiệu những sản phẩm đặc trưng và chủ lực của tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý là bưởi da xanh và dừa xiêm xanh. Bên cạnh, các sản phẩm tươi sống, các gian hàng Bến Tre cũng đã thể hiện tính đa dạng hơn, phong phú hơn từ các loại sản phẩm truyền thống, nhiều nhất là sản phẩm thực phẩm, đồ uống được sản xuất từ dừa, bưởi da xanh. Cụ thể, chỉ tính riêng sản phẩm từ dừa, Bến Tre đã có trên 40 sản phẩm và khoảng 15 sản phẩm từ các nguyên liệu thành phần của bưởi da xanh.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành phối hợp đẩy mạnh các chương trình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Theo đó, trong năm 2019, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai nhiệm vụ đa dạng hóa sản phẩm, tập trung tại các tổ hợp tác, HTX, hộ sản xuất và DN. Trung tâm sẽ kết nối, giới thiệu, hỗ trợ người dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để giải quyết bài toán tiêu thụ hàng nông sản. Sở Công Thương sẽ phối hợp kết nối người dân đưa sản phẩm vào các kênh phân phối, bán lẻ.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tới đây, văn phòng sẽ tiếp tục và đẩy mạnh công tác hỗ trợ, đưa các sản phẩm nông sản đặc sản của Bến Tre phát triển, từng bước mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Theo Báo Đồng Khởi

 

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất