Đầu tư 240 tỷ đồng triển khai xây dựng mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An

Đầu tư 240 tỷ đồng triển khai xây dựng mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An

Chương trình OCOP là gì? Đó là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

Chương trình OCOP là gì? Đó là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

Chính vì vậy Nghệ An đã lên chương trình cho việc phát triển đa dạng hóa sản phẩm, phát triển kinh tế bền vững nông thôn, phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới bền vững – chính là xây dựng đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019-2020.

Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2030” được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn , hiện cả tỉnh có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế trong các lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, thuộc 6 nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm (có 121 sản phẩm), đồ uống (15 sản phẩm), thảo dược (13 sản phẩm); vải và may mặc (11 sản phẩm), lưu niệm - nội thất - trang trí (16 sản phẩm), dịch vụ du lịch nông thôn (6 sản phẩm). Tuy nhiên, đến nay mới có 49 sản phẩm có đăng ký hoặc công bố tiêu chuẩn chất lượng (chiếm 26,9%); có 32 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (chiếm 17,6%). 

Mục tiêu cụ thể của đề án xây dựng mỗi xã một sản phẩm ở Nghệ An giai đoạn 2019 - 2020 là xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã; Ban hành và áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả OCOP trên địa bàn tỉnh; Tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có (tương đương khoảng 90 sản phẩm), tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh; Phát triển từ 2 - 3 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia OCOP; Phát triển ít nhất 3 sản phẩm đạt hạng 5 sao (có thể xuất khẩu)… Nguồn vốn ngân sách tỉnh dự kiến dành cho chương trình là khoảng 240 tỷ đồng.

Sản phẩm địa phương của Nghệ An rất lớn, khi triển khai đề án sẽ tạo ra quỹ sản phẩm chủ lực, xuất khẩu tốt hơn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững hơn. Ngành nông nghiệp đã xác định chương trình này là một nhiệm vụ quan trọng, sẽ có sự đồng hành và phối hợp với các địa phương tuyên truyền, nhận thức rõ hơn về chương trình OCOP để phát triển đề án cũng như mang lại hiệu quả lớn cho ngành nông sản Nghệ An.

Ông Thái Thanh Quý, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói rằng: Chương trình OCOP là một chủ trương rất đúng của Trung ương, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát triển kinh tế bền vững nông thôn, phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới bền vững. Địa phương sẽ chủ động tích cực trong việc huy động nguồn vốn từ kêu gọi dự án cho đến phát triển sản phẩm có xuất xứ; sản phẩm chủ lực và lên kế hoạch cho người nông dân làm chủ với sản phẩm của chính mình.

Chú trọng phát triển mẫu mã cho sản phẩm tham gia Chương trình OCOP

Thời gian qua, thông qua tuyên truyền về chương trình OCOP việc phát triển sản phẩm hàng hóa từ các nông sản, sản phẩm truyền thống và đặc sản đã được người dân và chính quyền quan tâm. Nhiều huyện đã đầu tư kinh phí để phát triển sản phẩm như: Huyện Anh Sơn hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận chè gay, thị xã Thái Hòa hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể tinh bột nghệ; chế biến mật mía Nam Cường; huyện Tân Kỳ hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu và sản phẩm dê; thị xã Hoàng Mai hỗ trợ phát triển sản phẩm tinh bột nghệ, cá thu; huyện Con Cuông xây dựng nhãn hiệu chứng nhận rượu men lá, nhãn hiệu tập thể cam, làng nghề mây, tre đan...

Tuy nhiên, đến nay Nghệ An chưa có sản phẩm nông, hải sản xuất khẩu được biết tới. “Kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nguồn nguyên liệu thiếu ổn định, vấn đề an toàn VSTP, việc tiếp cận nguồn vốn để cải tiến dây chuyền sản xuất còn khó khăn... chính là “rào cản” trong việc tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương như cá thu nướng, nước mắm trên thị trường. Khách hàng thiếu niềm tin vào các sản phẩm đặc sản, đặc biệt liên quan tới vấn đề về VSATTP; vấn đề cạnh tranh từ hàng hóa của các tỉnh, thành khác và hàng nhập ngoại (Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản....) bán với số lượng lớn, mẫu mã, hình thức đẹp, giá rẻ.

Vậy nên việc đầu tư xây dựng Chương trình OCOP sẽ là "chìa khóa" để nhà nông, doanh nghiệp, HTX, chính quyền cùng bắt tay nhau nghiên cứu tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc đầu tư cái gì, vì sao đầu tư, đầu tư khâu nào, bước đi ra sao... Hy vọng các sản phẩm có thế mạnh sẽ mạnh hơn, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu sẽ xuất khẩu được và các sản phẩm thực sự được “gắn sao” khi đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế./.

VPĐP NTM TW


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất