Kế hoạch triển khai chỉ đạo điểm và hoạt động phối hợp thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Kế hoạch triển khai chỉ đạo điểm và hoạt động phối hợp thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Ngày 25 tháng 2 năm 2019, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp, bàn Kế hoạch triển khai chỉ đạo điểm và hoạt động phối hợp thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2019.

Ngày 25 tháng 2 năm 2019, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp, bàn Kế hoạch triển khai chỉ đạo điểm và hoạt động phối hợp thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2019.

Tham dự và chủ trì cuộc họp có ông Ngô Tất Thắng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, bà Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện các sở, ban ngành của 4 tỉnh điểm phía Nam gồm Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bến Tre, đại diện Quỹ Toàn cầu hóa Saemaul (SGF).

Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, ông Ngô Tất Thắng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã chia sẻ những thông tin về tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tại các địa phương trong năm 2018. 

Ông Ngô Tất Thắng phát biểu, chia sẻ tại cuộc họp

“Chúng ta đã trải qua gần 10 năm thực hiện nhiệm vụ nông thôn mới trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu cốt lõi là phải tạo được thu nhập tương đối cho người dân, bắt đầu từ việc giải quyết sinh kế cho đến từng bước giúp người dân làm giàu. Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – chương trình phát triển nông thôn rộng khắp nhằm tận dụng lợi thế về đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực, văn hóa, phong cảnh, tri thức bản địa… để phát huy những nhóm sản phẩm từ hoạt động sản xuất kinh doanh hằng ngày của người dân, từ chiều sâu văn hóa để phát triển kinh tế”.

Tính đến thời điểm này, có tổng cộng 12 tỉnh thành trên cả nước được chọn là tỉnh điểm về xây dựng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gồm Hà Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bến Tre; 5 địa phương có làng văn hóa du lịch gồm Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Bến Tre.

Ông Ngô Tất Thắng nhấn mạnh: mục đích của hội nghị này là nâng cao nhận thức về chương trình OCOP, phát triển những cách làm hay, sáng tạo để khơi dậy quyết tâm, tinh thần tự giác, tự nguyện, ý thức trách nhiệm cao trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân khi tham gia chương trình OCOP; từ đó thúc đẩy những mô hình điển hình, có tác dụng lan tỏa và nhân rộng trên địa bàn tỉnh, vùng và trên cả nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của chương trình này trong giai đoạn 2018-2020.

Kế hoạch chỉ đạo điểm và hoạt động phối hợp thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2019 phải được triển khai sâu rộng đến các cấp, các ngành và đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh. Nội dung triển khai tại cơ sở phải thiết thực, có kết quả cụ thể, phù hợp với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và thực tiễn của địa phương. Bên cạnh đó, phải tập trung hỗ trợ các đối tác tham gia Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới để đạt mục tiêu số sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Theo bản kế hoạch, có 4 mục tiêu chính trong năm 2019, cụ thể như sau:

- 100% các tỉnh, thành phố có đề án, kế hoạch triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 ngay trong quý 2 năm 2019, tổ chức hội nghị triển khai chương trình OCOP hàng năm tới cấp huyện, xã;

- 100% các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình OCOP của tỉnh, thành phố được tập huấn, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chu trình OCOP.

- Các địa phương chỉ đạo điểm hoàn thành mục tiêu đặt ra về triển khai OCOP cấp tỉnh, cấp Trung ương hàng năm. Mục tiêu đến 2020: 900 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 100 sản phẩm OCOP cấp quốc gia, 40 mô hình tiêu biểu.

- Tăng cường hoạt động truyền thông, thông tin tuyên truyền về chương trình OCOP nhằm huy động sự chung tay thực hiện các mục tiêu của chương trình OCOP, lan tỏa hiệu ứng trên địa bàn tỉnh và trên cả nước.

Để làm được điều này, các địa phương cần đề ra những biện pháp thực hiện hiệu quả như tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và vai trò của các cơ quan đơn vị và người dân tham gia chương trình OCOP, tăng cường hoạt động chỉ đạo, kiểm tra giám sát và điều phối từ Trung ương, tăng cường hoạt động tư vấn, đào tạo nâng cao năng lực cấp quốc gia, cấp tỉnh cũng như hoạt động quảng bá chương trình và sản phẩm OCOP và xây dựng, triển khai một số mô hình mới về OCOP.

Về việc tổ chức thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương là đơn vị chủ trì, điều phối các hoạt động chỉ đạo điểm, tham mưu xây dựng trình Bộ phê duyệt kế hoạch cho từng tỉnh, thành phố, làng Văn hóa Du lịch theo từng năm, tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, báo cáo định kỳ Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức đội ngũ chuyên gia tư vấn cấp quốc gia hỗ trợ trực tiếp các địa phương chỉ đạo điểm; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho từng tỉnh, thành phố; điều phối hoạt động với các Bộ ngành liên quan để phát triển các dự án thành phần của từng tỉnh, thành phố triển khai chương trình OCOP, nhất là về xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, các bộ ngành Trung ương căn cứ nhiệm vụ, chức năng của mình để cử cán bộ, chuyên gia tham gia đoàn công tác về hỗ trợ các địa phương chỉ đạo điểm triển khai chương trình OCOP; đồng thời lồng ghép các chương trình dự án, bổ sung nguồn lực giúp các địa phương thực hiện thành công mục tiêu chương trình OCOP. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị, xã hội khác cũng có kế hoạch phối hợp triển khai chương trình OCOP như Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Tổng cục Du lịch; VietCraft; Hiệp hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh và Quỹ Toàn cầu hóa Saemaul.

Ông Ngô Tất Thắng – Phó chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Cần có sự tham gia của nhóm tư vấn hỗ trợ gồm các trường, viện nghiên cứu, đối tác tư vấn, nhà doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nhằm giúp người dân nhận thức rõ lợi thế của mình. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM là một đối tác rất quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng như chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Ở góc độ nhân văn, nhóm sản phẩm được thể hiện rõ nét là dịch vụ du lịch nông thôn – một trong những ngành được nghiên cứu và giảng dạy trong trường. Nếu thực hiện tốt vai trò, nhà trường sẽ đào tạo nên những người nông dân từ thực tiễn để họ quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở chiều ngược lại, nhà trường cũng sẽ có thêm những kiến thức, kinh nghiệm thực tế để bổ sung vào hoạt động giáo dục, giảng dạy cho sinh viên. Qua hơn một năm phối hợp với việc thực hiện một số chương trình OCOP ở các tỉnh như Long An, Ninh Thuận, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đánh giá cao vai trò của nhà trường và trung tâm, đồng thời tiếp tục chung tay trong các dự án khác ở các tỉnh phía Nam và khu vực”. 

Ông đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của Trung tâm Phát triển nông thôn – Saemaul Undong khi đồng hành với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo về chuỗi giá trị cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Ông Thắng kỳ vọng Trung tâm sẽ nghiên cứu học hỏi những điều hay từ mô hình “Làng mới” – Saemaul Undong của Hàn Quốc để áp dụng một các có hiệu quả tại Việt Nam, cụ thể là các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên trong thời gian tới.

Trong chương trình hội nghị, ông Ngô Tất Thắng đã lắng nghe ý kiến đóng góp và đề xuất cho bản Kế hoạch chỉ đạo điểm và hoạt động phối hợp thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2019 từ phía đại diện các địa phương và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông cho biết sẽ lưu ý và báo cáo với văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có những hoạt động và chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương cũng như chức năng, vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nói riêng và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nói chung./. 

VPĐP NTM TW


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất