Quảng Ninh: Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP chủ lực

Quảng Ninh: Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP chủ lực

Để nâng cao chất lượng, thương hiệu, đưa sản phẩm vươn xa, Ba Chẽ tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, định hướng cấp quốc gia từ ba kích và trà hoa vàng.

Theo thống kê, hiện Ba Chẽ có 20 sản phẩm OCOP, tập trung ở nhóm thực phẩm và đồ uống, với 6 sản phẩm được đánh giá cao, xếp hạng từ 3-4 sao. Trong đó có 4/6 sản phẩm là các sản phẩm chế biến từ ba kích và trà hoa vàng, cụ thể gồm: Ba kích tím khô, rượu ba kích, trà hoa vàng, trà túi lọc came Gold. Đây cũng là nhóm sản phẩm được huyện Ba Chẽ tập trung phát triển.

Sản phẩm ba kích tím của Ba Chẽ được bày bán tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại TP Hạ Long.

Trao đổi về phát triển sản phẩm chủ lực, ông Triệu Đức Phượng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Thực hiện chỉ đạo, bám sát tình hình thực tế địa phương, huyện đã tập trung, có nhiều giải pháp phát triển sản phẩm chủ lực: Ba kích, trà hoa vàng và các sản phẩm từ 2 sản phẩm này. Đây là bước đi để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, vươn xa hơn trên thị trường.

Hiện thực hóa chủ trương này, Ba Chẽ đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu, chú trọng hỗ trợ, đầu tư nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm... làm động lực để các sản phẩm chủ lực tạo sức hút lớn, đủ sức vươn xa trên thị trường. Để tạo điều kiện phát triển, trước tiên huyện tập trung tạo vùng nguyên liệu liên kết bền vững. Ba Chẽ đã sử dụng linh hoạt các nguồn lực để "tiếp sức” mở rộng vùng trồng nguyên liệu từ nguồn vốn 135, vốn dự án sự nghiệp, dự án nông thôn mới. Đặc biệt, năm 2018, Ba Chẽ huy động được các nguồn vốn khuyến nông trung ương, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp (Công ty Dược - Vật tư y tế Quảng Ninh, Công ty CP Phát triển rừng bền vững). Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo mở rộng diện trồng nguyên liệu trên toàn huyện ở cả 7 xã và 1 thị trấn... giúp nhân rộng, chủ động vùng nguyên liệu. Chỉ trong giai đoạn 2017-2018, huyện đã hỗ trợ nguồn kinh phí cho cây giống ba kích là trên 450 triệu đồng và 430 triệu đồng đối với trà hoa vàng. Nhờ đó, đến nay theo thống kê diện tích trồng trà hoa vàng của Ba Chẽ đã tăng lên 146ha và ba kích là 75,9ha.

Cùng với mở rộng vùng nguyên liệu, huyện cũng xác định ưu tiên hàng đầu chính là đưa giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với địa phương và áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, áp dụng cơ giới hoá vào các khâu sản xuất nguyên liệu đầu vào. Trước mắt, thời gian qua huyện đã hỗ trợ cây giống, khu ươm trồng, khu vực sơ chế cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực.

Một trong những khâu được Ba Chẽ chú trọng là hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sản xuất triển khai các bước xây dựng tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, từng bước đưa các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến vào áp dụng, như: HACCP, GMP, SSOP... Đồng thời, huyện cũng hướng tới ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến với các mục tiêu ưu tiên, như: Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; chuyển giao KHCN mới, tiên tiến trong sản xuất và chế biến sản phẩm chủ lực; đầu tư dây chuyền chế biến tinh, sâu; đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến...

Chế biến trà hoa vàng tại Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ). Ảnh: Bình Minh (CTV)

Trong chiến lược phát triển sản phẩm, huyện cũng đưa ra danh mục các dự án ưu tiên hàng đầu, như: Dự án sản xuất, chế biến trà hoa vàng, ba kích tập trung cho các doanh nghiệp, HTX hạt nhân và người dân; nghiên cứu KHCN quy trình sản xuất; mẫu hình 1 đơn vị sản xuất, chế biến sản phẩm chủ lực về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO, GMP, GHP; mô hình điểm về thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) định hướng sản xuất hữu cơ cho sản phẩm chủ lực...

Ngoài ra, thời gian qua, Ba Chẽ cũng đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ xúc tiến trong và ngoài tỉnh, nâng cao thương hiệu sản phẩm. Qua đó, các sản phẩm chủ lực đã được quảng bá, giới thiệu rộng tại các Hội chợ, Lễ hội, Trung tâm OCOP huyện và một số địa phương trong tỉnh; lan rộng tới các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Hải Dương...) Huyện cũng đã thực hiện các thủ tục để Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận bảo hộ với sản phẩm ba kích tím năm 2016; hiện đang nộp hồ sơ xin cấp chứng nhận với sản phẩm trà hoa vàng...

Dựa trên thực tế và định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, tháng 4/2018, Ba Chẽ đã phê duyệt kế hoạch cụ thể phát triển sản phẩm chủ lực định hướng cấp quốc gia giai đoạn 2018-2020. Trong đó đề ra các cách làm, giải pháp ưu tiên về mở rộng vùng nguyên liệu để đạt diện tích trồng của ba kích tím 360ha; trà hoa vàng 500ha; ưu tiên sử dụng ngân sách nghiên cứu, chuyển giao KHCN, hợp tác với các viện nghiên cứu, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sạch... gắn với sơ chế, chế biến, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến; phát triển thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hợp, HTX...

Dù còn nhiều khó khăn, tin rằng bằng các giải pháp đồng bộ và kế hoạch cụ thể, việc phát triển, nâng tầm sản phẩm chủ lực của Ba Chẽ sẽ có những bước đi vững chắc, đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường./.

 

 

 

 

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất