Kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang

Kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang

Thực hiện theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020; Quyết định số 01/QĐ-BCĐCW ngày 22/8/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018- 2020 và Kết luận số 235/KL-TU ngày 19/7/2018 của Tỉnh ủy Tuyên Quang kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 (khóa XVI) nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến năm 2020 trên các lĩnh vực và địa bàn quản lý sát với tình hình thực tế, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Kế hoạch số 24/KH-UBND được ban hành như đòn bẩy khuyến khích, định hướng các tập thể chính trị, xã hội quyết tâm thực hiện Chương trình OCOP.

Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang xác định rõ mục tiêu của chương trình OCOP đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh:

Mỗi huyện, thành phố xây dựng được 01 sản phẩm chủ lực có quy mô cấp huyện, cụ thể: huyện Lâm Bình: Dê núi Lâm Bình; huyện Na Hang: Cá đặc sản, Chè Shan tuyết; huyện Chiêm Hóa: Lạc Chiêm Hóa; huyện Hàm Yên: Cam Hàm Yên; huyện Yên Sơn: Bưởi, Chè Yên Sơn; huyện Sơn Dương: Chè Sơn Dương; thành phố Tuyên Quang: Mật ong.

Hỗ trợ tiêu chuẩn hóa 74 sản phẩm; nội dung hỗ trợ: xây dựng và ban hành tiêu chuẩn sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu (đối với sản phẩm chưa được công nhận); cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc, trang thiết bị,...trong đó: Huyện Lâm Bình: 12 sản phẩm; huyện Na Hang: 08 sản phẩm; huyện Chiêm Hóa: 11 sản phẩm; huyện Hàm Yên: 08 sản phẩm; huyện Yên Sơn: 21 sản phẩm; huyện Sơn Dương: 09 sản phẩm; thành phố Tuyên Quang: 05 sản phẩm.

Một số hình ảnh về sản phẩm chủ lực của tỉnh Tuyên Quang:

 

Gạo nếp Tân Trào

 

Cam Hàm Yên

Để hoàn thiện được những mục tiêu trên, tỉnh đã đưa vào kế hoạch tổng vốn đầu tư cho năm 2019 là 40.659 triệu đồng (Bốn mươi tỷ, sáu trăm năm mươi chín triệu đồng). Đồng thời tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, đúng theo chu trình OCOP định hướng ở Quyết định số 490/QĐ-TTg.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức: Tập trung thực hiện tốt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp về Chương trình OCOP, trên cơ sở đó lồng ghép các chương trình công tác, lĩnh vực ngành, đơn vị tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức để người dân biết, hiểu và tham gia Chương trình OCOP. Đưa Chương trình OCOP vào Chương trình hành động để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, các địa phương để chỉ đạo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương để triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài.

Về nguồn vốn: Từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp hằng năm; cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển các thành phần kinh tế thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và huy động, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác bố trí phù hợp, kịp thời để hỗ trợ chủ thể thực hiện chương trình OCOP đầu tư sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh (vốn, đất đai, sức lao động, công nghệ,…) phù hợp với các quy định của pháp luật; huy động nguồn lực từ các tổ chức tín dụng; các tổ chức khác…

Về cơ chế, chính sách: Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất tham gia thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh, áp dụng thực hiện các chính sách hiện hành của Nhà nước và tỉnh (hỗ trợ 06 nhóm sản phẩm, dịch vụ quy định tại mục b, khoản 4, Điều 1 Quyết định số 490/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ), trong đó hỗ trợ: Đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý OCOP, đội ngũ cán bộ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất kinh doanh có phương án phát triển sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Đăng ký sở hữu trí tuệ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu (đối với sản phẩm chưa được công nhận), tích cực khuyến khích cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc, trang thiết bị...để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ 07 điểm (tại các huyện, thành phố) giới thiệu, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch trong tỉnh (hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày, trang thiết bị…); Hỗ trợ 01 điểm cấp tỉnh (tại thành phố Tuyên Quang) giới thiệu, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa nông sản an toàn thực phẩm, do doanh nghiệp đầu tư và tổ chức hoạt động; Tập huấn về xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và triển khai sản xuất kinh doanh để mang lại hiệu quả. Hỗ trợ xúc tiến thương mại: Quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng; hội chợ, triển lãm…; Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn như: chính sách về khuyến khích sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng - vật nuôi, khuyến khích phát triển trang trại, hợp tác xã; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp hàng hóa; liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, hộ gia đình trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; xây dựng vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn. Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và các ưu đãi theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, điều chỉnh bổ sung, và kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2020.

Về khoa học và công nghệ, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ: Xây dựng, triển khai và phát triển các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP trên cơ sở nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP; Ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm OCOP; Ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất, các hộ sản xuất sản phẩm OCOP.

Về quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm của Chương trình OCOP: Tổ chức, tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế nhằm quảng bá sản phẩm và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP; tổ chức gặp gỡ, tham quan, chào hàng các sản phẩm OCOP và kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường; tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, tập huấn về xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh; Thực hiện tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của tỉnh, các huyện, thành phố (các xã, phường, thị trấn) trên các Website của tỉnh, các sở, ban, ngành; thực hiện chương trình cung cấp thông tin thương mại đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất, nhất là địa bàn nông thôn; Nghiên cứu và phát triển thị trường trong nước tiến tới thị trường xuất khẩu; tập trung các thị trường mục tiêu trong từng giai đoạn, đề ra các giải pháp xúc tiến thương mại; nghiên cứu mặt hàng, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đồng thời vận dụng tối đa các chính sách, biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh xây dựng, quảng bá thương hiệu, tiếp thị cung ứng sản phẩm có chất lượng cao cho thị trường.

Mỗi huyện, thành phố quy hoạch, cân đối ngân sách và vận động tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng 01 điểm hoặc 01 trung tâm giới thiệu, kết nối tiêu thụ và bán sản phẩm OCOP. Vận động, hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp xây dựng 01 trung tâm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và các nông sản hàng hóa cấp tỉnh, theo phương châm xã hội hóa.

Hợp tác trong nước, nước ngoài

Hợp tác với các tỉnh, thành trong nước và một số nước triển khai Chương trình OCOP để trao đổi kinh nghiệm và quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu các sản phẩm OCOP đến các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.

Tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm thực hiện Chương trình OCOP các tỉnh thành trong nước và một số nước trên thế giới (ưu tiên đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý, điều hành Chương trình OCOP; cán bộ quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP).

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP./.

VPĐP NTM TW


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất