Sản phẩm OCOP Lâm Đồng - kinh nghiệm giai đoạn đầu

Sản phẩm OCOP Lâm Đồng - kinh nghiệm giai đoạn đầu

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Lâm Đồng đã đi qua giai đoạn đầu sau hai năm triển khai với nhiều thuận lợi, không ít khó khăn được nhìn nhận cùng với những bài học kinh nghiệm cần đúc kết để khắc phục, thực hiện hiệu quả hơn trong giai đoạn mới.

Lâm Đồng đã tổ chức 10 đợt xúc tiến thương mại trong nước giới thiệu các sản phẩm OCOP trên địa bàn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, từ giữa tháng 11/2018, Chương trình OCOP Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020 bắt đầu tổ chức bộ máy thực hiện với Ban Chỉ đạo được thành lập ở cấp tỉnh, cấp huyện và bố trí cán bộ phụ trách ở cấp xã. Sau đó đội ngũ “cán bộ OCOP” các cấp được tổ chức tập huấn chuyên môn về công tác quản lý, lập hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình trên địa bàn. Tiếp tục triển khai vận động, tuyên truyền rộng rãi, Chương trình OCOP Lâm Đồng đã tiếp nhận 44 chủ thể đăng ký tham gia với nhiều sản phẩm khác nhau; đồng thời huy động kinh phí thực hiện hơn 20,8 tỷ đồng. Trong đó gồm nguồn vốn Trung ương (hơn 10,5 tỷ đồng); vốn của người dân, chủ thể tham gia (gần 9,5 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương (gần 800 triệu đồng). 

Đi vào triển khai ngân sách nhà nước hỗ trợ các khoản như: 100% tuyên truyền, tập huấn; 100% chi phí đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP (bao gồm chi phí vận chuyển, lưu kho, thẩm định…); 50% chi phí phát triển sản phẩm OCOP (không quá 200 triệu đồng/sản phẩm); không quá 25 triệu đồng/đơn vị chi phí vận chuyển hàng hóa, thuê gian hàng tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm; 0,2% phục vụ công tác quản lý, hướng dẫn, giám sát thực hiện Chương trình OCOP… 

Từ nguồn kinh phí Nhà nước nói trên, thống kê có tất cả 44 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình được Chương trình OCOP Lâm Đồng hỗ trợ đổi mới, nâng cấp dây chuyền công nghệ, máy móc sản xuất, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc điện tử… Đáng kể ở Công ty TNHH Hoàng Anh Maca được hỗ trợ phát triển chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ mắc ca giai đoạn năm 2020-2022, quy mô liên kết từ 30-55 hộ nông dân trồng mắc ca trên địa bàn các huyện Đam Rông, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, tổng diện tích từ 50-150 ha. Qua đó, xây dựng thương hiệu Themacanut đạt sản phẩm OCOP xếp hạng 5 sao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu…  

Đến nay, Lâm Đồng đã tổ chức 8 lớp tập huấn với hơn 470 lượt người tham gia là cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, cấp xã cùng cán bộ điều hành hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ gia đình về các nội dung triển khai Chương trình OCOP… Đặc biệt, Lâm Đồng đã tổ chức 10 đợt xúc tiến thương mại giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Festival Hoa Đà Lạt, Tuần Văn hóa Trà và tơ lụa Lâm Đồng; hội chợ các tỉnh Bến Tre, Quảng Nam, Nam Định, Quảng Ninh, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh… 

Trong tất cả 44 chủ thể ở Lâm Đồng tham gia sản phẩm OCOP bao gồm: 32 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được kiện toàn; 9 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất phát triển mới; 3 hộ gia đình. Kết quả sau 2 năm triển khai Chương trình OCOP Lâm Đồng đã phân hạng 62 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao và tiềm năng 5 sao.  

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả thuận lợi vừa nêu, “Chương trình OCOP Lâm Đồng là chương trình mới; công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương, đơn vị liên quan chưa cụ thể. Nhiều chủ thể chưa nhận thấy hết lợi ích của Chương trình OCOP, chưa thay đổi mẫu mã sản phẩm và phương thức kinh doanh hiện đại. Toàn tỉnh Lâm Đồng chưa có làng nghề truyền thống tham gia sản phẩm OCOP”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng xác định đây là những tồn tại, hạn chế cần những giải pháp khắc phục để tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. 

Cụ thể, cần tăng cường các hình thức tuyên truyền về sự cần thiết của Chương trình OCOP; gắn việc triển khai Chương trình OCOP Lâm Đồng với các Chương trình hỗ trợ kinh tế tập thể, phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp… Đây là các nhóm giải pháp trọng tâm, đòi hỏi triển khai đồng bộ, kịp thời, nhằm đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025: Phát triển 168 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao và 5 sao; vận động 130 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, trong đó gồm 95 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 26 hợp tác xã, 9 cơ sở và hộ gia đình; đào tạo, tập huấn cho 900 lượt người; tổ chức 25 đợt xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Lâm Đồng tại các tỉnh và thành phố trong nước…

Theo Báo Lâm Đồng

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất