Chương trình OCOP Hà Tĩnh tiếp tục tạo sức lan tỏa

Chương trình OCOP Hà Tĩnh tiếp tục tạo sức lan tỏa

Năm 2020, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tạo sức lan tỏa, được các chủ thể sản xuất sản phẩm và người dân hưởng ứng tích cực.

Chương trình OCOP Hà Tĩnh tiếp tục tạo sức lan tỏa

Năm 2018, sản phẩm nước mắm của HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh) là 1 trong 6 sản phẩm tham gia “sân chơi” OCOP Hà Tĩnh và được công nhận 3 sao. Đây cũng là năm đầu tiên Hà Tĩnh triển khai chương trình OCOP. Từ chỗ chỉ 1 sản phẩm tham gia “làm quen” với OCOP, đến nay, HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương có thêm 2 sản phẩm được công nhận 3 sao.

Theo bà Lê Thị Khương – Giám đốc HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương, điều quan trọng nhất từ khi tham gia OCOP đến nay, đó là HTX đã tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm theo “chuẩn OCOP”. Sau khi tham gia OCOP, HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống dây chuyền sản xuất, đóng chai, bao bì nhãn mác. Cùng với đó, tập trung cao cho quy trình sản xuất an toàn và tiếp thị, quảng bá sản phẩm trên thị trường. Nhờ đó, 3 năm qua, sản lượng nước mắm của HTX đã có mức tăng trưởng về sản lượng và doanh thu khoảng 15%/năm.

Cùng với sản phẩm nước mắm Phú Khương, nhiều sản phẩm tham gia OCOP và đạt 3 sao đã không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã và gia tăng giá trị. Nhiều sản phẩm đã nâng từ 3 sao lên 4 sao như: nước mắm Luận Nghiệp (TX Kỳ Anh), nước mắm Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh), nhung hươu của HTX nông nghiệp Hương Sơn….

OCOP từ chỗ là một cái tên xa lạ không chỉ đối với người sản xuất, người dân và thậm chí không ít cán bộ, công chức nhưng đến nay đã trở thành quen thuộc. Đặc biệt, nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến đã trở thành mặt hàng tin dùng, không thể thiếu của các bà nội trợ mỗi khi đi mua sắm.

“Hơn 1 năm nay, mỗi khi mua sắm các mặt hàng thực phẩm chế biến, tôi thường lựa chọn các cửa hàng OCOP trên địa bàn để mua. Các sản phẩm không chỉ có chất lượng đảm bảo, tươi ngon mà bao bì nhãn mác cũng rất đẹp, đa dạng mẫu mã, chủng loại” – bà Nguyễn Thị Hương ở phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Dực – Phó Chánh Văn phòng NTM tỉnh cho biết, năm 2020, có 258 ý tưởng đăng ký tham gia chương trình, trong đó có 195 ý tưởng được chấp thuận và có 161 phương án sản xuất, kinh doanh được cấp huyện phê duyệt tham gia chương trình. Sau 2 lần đánh giá phân hạng, kết quả có 87 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 đến 4 sao, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao (có 2 sản phẩm nâng cấp); nâng tổng số sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh đến nay lên 157 sản phẩm, trong đó có 7 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao. Các sản phẩm sau khi đạt chuẩn đều được kiểm soát chặt chẽ, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đều tăng về doanh số bán hàng, bình quân tăng so với trước khi tham gia...

Theo ông Dực, trong những cái được, cái được lớn nhất là người tiêu dùng đã hiểu, biết và nhận dạng, xác định được sản phẩm OCOP là sản phẩm có chất lượng, thương hiệu nên đã yên tâm lựa chọn, tin dùng. Đây là những kết quả bước đầu rất quan trọng, là nền tảng, bài học cho thực hiện chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

Chương trình OCOP thực sự là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

Ông Dực cũng lưu ý, đối với những sản phẩm còn hạn chế, có tình trạng lạm dụng thương hiệu OCOP, tỉnh sẽ xây dựng quy chế, phân công lực lượng rà soát, giám sát. Trường hợp kiểm tra lại phát hiện sản phẩm không đạt yêu cầu kiên quyết đưa ra khỏi OCOP.

Với những kết quả đạt được trong năm 2020, chương trình OCOP thực sự là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất