Quảng Ngãi: Chương trình OCOP mở lối cho nông sản vươn xa

Quảng Ngãi: Chương trình OCOP mở lối cho nông sản vươn xa

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP), từ năm 2018 đến nay, Quảng Ngãi đã lựa chọn và tập trung phát triển nhiều sản phẩm hiện có để hoàn thiện, nâng cấp trong Chương trình OCOP của tỉnh.

Nhờ nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo quy trình..., nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường.

Trái cây Nghĩa Hành được người tiêu dùng ưa chuộng
 

Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình OCOP, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công nhận 11 sản phẩm đạt OCOP, gồm: tỏi đen Volcano, tỏi mật ong, dấm tỏi mật ong Volcano, nấm bào ngư Giang Phong, nấm linh chi Giang Phong, bánh tráng Huy Cường, mạch nha Kim Hồng, gạo Ấn Trà, nước mắm truyền thống Đức Hải, nước mắm truyền thống Phát Hải và nước mắm truyền thống Phương Loan.

Trong 11 sản phẩm có 10 sản phẩm đạt chuẩn chất lượng 3 sao và 1 sản phẩm đạt chuẩn chất lượng 4 sao (sản phẩm nấm linh chi Giang Phong).

Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Quảng Ngãi  Lê Văn Dương cho biết: 11 sản phẩm đầu tiên được công nhận sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu.  Mục tiêu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh sẽ có thêm 24 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP.

Thông qua các mô hình sản xuất, liên kết theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ, hình thành cửa hàng bán lẻ..., Quảng Ngãi đang nỗ lực đưa nông sản bản địa ra thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận các nông sản truyền thống an toàn, chất lượng.

Từ đầu năm 2020, Sở Công Thương Quảng Ngãi xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm tiêu biểu của các địa phương theo Chương trình OCOP tại trung tâm TP. Quảng Ngãi và trở thành địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng trên địa bàn.

Hiện tại, cửa hàng đang giới thiệu trên 100 sản phẩm, trong đó hầu hết là các loại đặc sản nổi tiếng của Quảng Ngãi  như: Nước mắm Mười Quý, Sakydo; các sản phẩm từ quế Trà Bồng; trái cây Nghĩa Hành; các loại rượu trái cây Mộ Đức; thực phẩm chế biến sẵn như cá cơm rim, mực rim, đường phèn, đường phổi, hành tỏi, mật ong rừng…

Sản phẩm bày bán chủ yếu được sản xuất trong tỉnh Quảng Ngãi; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nên được người tiêu dùng ủng hộ. Việc triển khai thực hiện xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP.Quảng Ngãi là sự khởi đầu của sự kiện và hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nông thôn chủ lực, tiêu biểu của tỉnh./.

Theo Tạp chí Kinh tế nông thôn

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất