Lào Cai: Tìm lời giải để phát triển sản phẩm OCOP

Lào Cai: Tìm lời giải để phát triển sản phẩm OCOP

Sau hai năm tỉnh Lào Cai triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm-OCOP” bước đầu đã thu được những kết quả tích cực; nhiều hộ dân có thêm việc làm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình OCOP tại Lào Cai còn tồn tại những bất cập, khó khăn cần sớm được tháo gỡ để chương trình phát huy hiệu quả cao hơn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Lợi thế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Lào Cai là vùng đất có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây dược liệu, đặc biệt là atiso. Những năm gần đây, cây atiso đã giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Theo đó, đầu ra của sản phẩm atiso luôn ổn định vì có sự liên kết chặt chẽ giữa “3 nhà”: Nhà nông, Nhà nước và doanh nghiệp. Tận dụng những lợi thế đó, ở Sa Pa, người dân dần chuyển đổi giống cây trồng từ lúa nương sang loại cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với 5.000m2 đất trồng cây atiso, mỗi năm, gia đình anh Má A Thào (phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) thu về 70-80 triệu đồng. “Trồng atiso mang lại thu nhập cao và ổn định hơn trồng lúa. Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng một vụ lúa rồi bỏ hoang đất. Sau khi được Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sapa hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, chúng tôi đã biết trồng loại cây này. Công ty còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch nên chúng tôi rất yên tâm”, anh Thào cho biết.

Người dân chăm sóc cây atiso trên vùng trồng nguyên liệu tại thị xã Sa Pa.

Để những sản phẩm từ cây dược liệu và nông sản địa phương được quảng bá và biết đến rộng rãi, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đưa những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn đến gần hơn với người tiêu dùng, như xây dựng gian hàng nông sản an toàn tại các huyện, thị xã có tiềm năng về du lịch, như: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát...; tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm OCOP tại nhiều hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế; tìm đầu ra cho sản phẩm; tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước. Một số nhãn hiệu được Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Lào Cai hỗ trợ bảo hộ đã trở thành hàng hóa được nhiều người biết đến, có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương. Cụ thể, năm 2019, nhãn hiệu chứng nhận mận Bắc Hà thu lợi nhuận đến 16 tỷ đồng, nhãn hiệu tập thể su su Sa Pa mang lại 14 tỷ đồng, nhãn hiệu bưởi múc Bảo Thắng gần 4 tỷ đồng...

“Đánh thức” tiềm năng 

Tiềm năng là thế, tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu còn tồn tại nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ. Thực tế, Lào Cai vẫn chưa có đơn vị tư vấn thực hiện Chương trình OCOP nên nhiều chủ thể sản xuất còn lúng túng trong việc lập hồ sơ đăng ký sản phẩm, xây dựng phương án kinh doanh và lên kế hoạch xúc tiến thương mại. Nhiều cán bộ nhận thức chưa rõ về bản chất và nguyên tắc thực hiện Chương trình OCOP, được phân công theo dõi chương trình nhưng còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên việc hướng dẫn chủ thể sản xuất chưa được sát sao.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, những sản phẩm đặc sản của Việt Nam có thể đáp ứng được xu hướng tiêu dùng mới khi được ứng dụng công nghệ mới. Muốn vậy, tại những vùng nguyên liệu đặc sản, công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, giúp cán bộ cơ sở có kỹ năng trong tuyên truyền vận động, triển khai và hướng dẫn người dân tham gia Chương trình OCOP cần được chú trọng.

Một số nông sản, đặc sản của Lào Cai như mận Bắc Hà, gạo séng cù, khoai môn Bảo Yên, tương ớt Mường Khương, thịt lợn sấy, dược liệu (atiso, giảo cổ lam)... là những sản phẩm OCOP đã được đánh giá đạt 3-4 sao (từ 4 sao trở xuống do cấp tỉnh đánh giá). Tuy nhiên, những loại nông sản này vẫn chưa phát huy được lợi thế và tiềm năng kinh tế. Nguyên nhân là do người dân chưa chú trọng đến việc xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Để giải quyết vấn đề này, Lào Cai rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, cần xây dựng các mạng lưới kết nối từ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Theo Báo Quân đội nhân dân

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất