Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Thêm lực đẩy cho doanh nghiệp

Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Thêm lực đẩy cho doanh nghiệp

Thời gian qua, Bình Ðịnh là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chương trình là động lực để các DN mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh và quảng bá thương hiệu đặc sản Bình Ðịnh.

Theo bà Huỳnh Thị Tuyết Nga, chủ cơ sở sản xuất bánh cốm - kẹo Phong Nga (xã Cát Tường, huyện Phù Cát), những năm qua, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các sở, ngành, Phong Nga đã nỗ lực duy trì, phát triển sản phẩm bánh cốm, kẹo truyền thống Cát Tường. Nhờ vậy, sản phẩm của Phong Nga đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và được người tiêu dùng trong cả nước đánh giá cao. Tháng 6.2020, HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Phong Nga ra đời, quy tụ các cơ sở sản xuất bánh cốm - kẹo. Đầu tháng 11.2020, bánh cốm Phong Nga đã được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

HTX Phong Nga là một trong những DN nhỏ và vừa trên địa bàn có bước phát triển vượt bậc nhờ chương trình OCOP.

Ông Phan Thành Giản, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) - thành viên Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh - cho biết, ngoài sản phẩm bánh cốm Phong Nga, còn có 11 sản phẩm khác được công nhận là sản phẩm OCOP trong đợt xếp hạng lần thứ I - năm 2020 này. Đó là, sản phẩm con giống gà ta Cao Khanh của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (xã Cát Tân, huyện Phù Cát) đạt 5 sao; sản phẩm nhang trầm hương của hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Toàn (ở xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân) đạt 4 sao; 9 sản phẩm khác đạt hạng 3 sao.

Trước đó, năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã có 53 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.

Cuối tháng 9.2019, nước mắm Như Hoa (cơ sở nước mắm Như Hoa, ở phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn) là 1 trong 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao lần thứ I - năm 2019. Bên cạnh đó, Như Hoa còn đạt nhiều danh hiệu, như: Cúp sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực. Đặc biệt, mới đây, tại lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020, bà Trần Thị Hoa, chủ cơ sở nước mắm Như Hoa, là đại biểu duy nhất của Bình Định được vinh danh. Nước mắm Như Hoa giờ còn vươn ra thị trường Lào, Campuchia.

Trong khi đó, gà giống của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) cũng là một trong những sản phẩm mang thương hiệu Bình Định được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng. Liên tiếp các năm 2016 -2018, sản phẩm của Minh Dư lọt vào top 10 sản phẩm vàng chăn nuôi Việt Nam; năm 2017, ba giống gà của Minh Dư được cấp chứng nhận tiến bộ kỹ thuật - công nghệ mới; năm 2018, DN được cấp chứng nhận là DN khoa học công nghệ cao.

Tại chương trình OCOP tỉnh Bình Định lần thứ I - năm 2019, sản phẩm gà giống của Minh Dư là 1 trong 3 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm OCOP hạng 5 sao. Điều đáng ghi nhận, theo ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty, nhà máy ấp nở của Công ty được đánh giá là hiện đại nhất châu Á. Nhờ vậy, hiện tại mỗi năm Minh Dư sản xuất trên 60 triệu con gà giống thương phẩm, tiêu thụ trong nước 95% và xuất khẩu 5%... Theo ông Lê Văn Dư, vừa qua, Tập đoàn giống gia cầm Sasso (Pháp) đã đề nghị liên doanh với Công ty xây dựng trại gà giống ông bà tại Bình Định để cung cấp gà giống bố mẹ cho thị trường trong nước và thế giới. Trong khi đó, Công ty CP Bel Gà (Bỉ) đề nghị làm nhà cung cấp độc quyền gà giống bố mẹ cho thị trường châu Âu. Theo kế hoạch, năm 2021, Công ty Minh Dư sẽ tiếp tục xuất khẩu gà giống sang các nước Lào, Campuchia, Bangladesh và Myanmar... Tiếp đó, giai đoạn 2023 - 2024, Công ty bắt đầu xuất khẩu gà giống bố mẹ sang các nước châu Á và châu Âu.

Ông Phan Thành Giản đánh giá: “Thời gian qua, Bình Định là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả chương trình OCOP. Chương trình OCOP đã trở thành động lực để các DN trên địa bàn phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và là cơ hội để DN quảng bá thương hiệu đặc sản Bình Định”./.

Theo Báo Bình Định online


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất