Chương trình mỗi xã một sản phẩm:  Nâng tầm nông sản đặc sản huyện Văn Quan

Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Nâng tầm nông sản đặc sản huyện Văn Quan

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai từ năm 2018 nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Tại huyện Văn Quan, việc phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương được Ban Thường vụ Huyện ủy đưa vào nghị quyết và chỉ đạo quyết liệt. Qua đó, người dân trên địa bàn đã thấy được tầm quan trọng và chủ động tham gia.

Ông Lý Văn Đàm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Hằng năm, phòng tham mưu UBND huyện ban hành các kế hoạch thực hiện chương trình, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Cùng đó, phân công cán bộ phụ trách từ cấp huyện đến cấp xã nhằm chủ động hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký phân hạng sản phẩm trên địa bàn.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan góp ý chỉnh sửa mẫu hộp đựng sản phẩm cao khô Chợ Bãi

Là đơn vị chủ công trong Chương trình OCOP, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động tuyên truyền cho cán bộ phụ trách tại các phòng, ban liên quan, cán bộ 17/17 xã, thị trấn nhằm nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ các chủ thể; chủ động tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị mà chương trình mang lại, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thông qua cổng thông tin điện tử của huyện, trang thông tin cấp xã, các hội nghị… Đồng thời, phối hợp với UBNB các xã, thị trấn khảo sát, đánh giá sản phẩm có tiềm năng trên địa bàn huyện để bồi dưỡng, hỗ trợ. Từ năm 2018 đến nay, phòng đã xác định hơn 10 sản phẩm có tiềm năng thuộc các nhóm ngành hàng chủ lực như: rượu men lá xã Hữu Lễ; miến dong Tràng Phái, rau hữu cơ xã Tú Xuyên; tinh dầu hồi; tinh dầu sở… Các nhóm ngành hàng tiềm năng như: mật ong xã Liên Hội, Hòa Bình; khẩu sli xã An Sơn; trám đen ở các xã Tràng Các, Đồng Giáp; tinh bột nghệ xã Tân Đoàn; thanh long xã Điềm He…

Sau khi xác định các sản phẩm chủ lực cũng như cá nhân, tập thể sở hữu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các xã tổ chức tư vấn, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện cho từng chủ thể về hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, hoàn thiện hồ sơ và đề nghị xếp hạng. Đặc biệt, các chủ thể tham gia chương trình còn được hỗ trợ bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu, quảng bá sản phẩm… Từ năm 2019 đến nay, chương trình đã hỗ trợ hơn 5.000 hộp đựng, bao bì, tem nhãn cho các chủ thể trên địa bàn huyện.

Năm 2019, sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ của hộ Nông Thị Chỉ, xã Hữu Lễ được xếp hạng 3 sao. Từ khi được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, công tác quảng bá được tăng cường, uy tín của sản phẩm được tăng lên. Hiện mỗi năm, xã Hữu Lễ sản xuất hơn 120.000 lít rượu cung cấp ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Sản phẩm của gia đình chị Chỉ được xếp hạng 3 sao càng khẳng định việc xây dựng thương hiệu mang lại những giá trị thiết thực. Thấy được lợi ích từ chương trình này, các chủ thể trên địa bàn huyện đã chủ động tham gia. Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện Văn Quan đã có 2/3 sản phẩm được Hội đồng xếp hạng cấp tỉnh đánh giá 3 sao gồm: cao khô Chợ Bãi và miến dong Tràng Phái.

Anh Đàm Văn Phúc, thôn Tùng Tày, xã Tràng Phái, chủ cơ sở sản xuất miến dong Tràng Phái cho biết: Mỗi năm, gia đình tôi sử dụng trên 400 tấn nguyên liệu để sản xuất miến và tinh bột dong riềng. Nguyên liệu được thu mua từ các hộ dân trên địa bàn huyện. Vừa qua, nhờ được cán bộ xã, huyện hướng dẫn, hỗ trợ, tôi đã đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP và được xếp hạng 3 sao.  Khi thực hiện các tiêu chí theo chương trình OCOP đã cho tôi cái nhìn rất khác về sản xuất hàng hóa, nâng tầm sản phẩm. Tôi đang phấn đấu năm 2021, sản phẩm của tôi sẽ được nâng hạng lên 4 sao.

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Văn Quan đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: chuyên canh giống lúa Nhật Bản tại xã Trấn Ninh; rau vụ đông tại các xã An Sơn, Khánh Khê, Điềm He, Tú Xuyên… Huyện còn có các cơ sở chăn nuôi lợn, bò, cá thương phẩm với quy mô tương đối lớn và 19 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây chính là tiềm năng để thực hiện chương trình OCOP, chính vì vậy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã xác định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể  tham gia.

Theo Báo Lạng Sơn

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất