QUẢNG NINH: THÚC ĐẨY SẢN PHẨM OCOP HƯỚNG TỚI XUẤT KHẨU

QUẢNG NINH: THÚC ĐẨY SẢN PHẨM OCOP HƯỚNG TỚI XUẤT KHẨU

Với những thành công bước đầu, chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh đang được siết chặt, chuẩn hoá chất lượng để sản phẩm OCOP đủ mạnh. Các doanh nghiệp sẵn sàng lắng nghe, thích nghi, thay đổi để hướng tới xuất khẩu. Đây cũng là vấn đề được các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm trong Hội nghị xúc tiến đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu vừa được tỉnh và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức tại TP Hạ Long.

Theo đó, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, tỉnh ưu tiên phát triển ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, quy hoạch 17 vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung tại các địa phương.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã tập trung vào các sản phẩm chủ lực có thế mạnh, lợi thế địa phương. Hiện tỉnh có 16/17 vùng sản xuất tập trung, tăng về diện tích, năng suất và sản lượng, như: Vùng trồng lúa chất lượng cao, dong riềng năng suất cao, vải thiều… Đây là nguyên liệu phục vụ sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP, chương trình với sáng tạo riêng của Quảng Ninh, được ghi nhận và nhân rộng ra cả nước. Nhờ tập trung, phát triển quy củ mà hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 322 sản phẩm OCOP với 138 sản phẩm đạt từ 3-5 sao.

Trong đó, thuỷ sản có 60 sản phẩm với 14 sản phẩm có chất lượng cao hạng từ 3-5 sao. Đáng chú ý là các sản phẩm OCOP chất lượng cao đạt tiêu chuẩn 3-5 sao đều được quan tâm đầu tư về hạ tầng, cơ sở vật chất, đạt tiêu chuẩn VSATTP, có bao bì mẫu mã đẹp, cập nhật… Nhiều sản phẩm sản xuất dựa trên nền tảng vững chắc là sản phẩm đặc thù địa phương, có nguồn nguyên liệu phong phú, có thể đáp ứng được sản lượng lớn. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu cao cho xuất khẩu.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp OCOP thời gian qua đã chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng nhà xưởng, máy móc thiết bị, ứng dụng KHCN vào sản xuất như: Công nghệ sấy thăng hoa với trà hoa vàng Ba Chẽ, dây chuyền sản xuất hải sản Bavabi của Nhật Bản, sản xuất nấm ở Đông Triều…

Nhiều sản phẩm bước đầu đã xuất khẩu tiểu ngạch hoặc quy mô nhỏ cho các đối tác nước ngoài. Đồng thời thường niên, các sản phẩm này đều tham dự các chương trình xúc tiến, quảng bá ở các hội chợ quốc tế tổ chức trong nước, khu vực và nhận được sự quan tâm của các đối tác. Tiêu biểu là các sản phẩm như: Trà hoa vàng, nấm ăn Đông Triều, các loại ruốc hải sản Bavabi, hàu sữa Thái Bình Dương...

Đặc biệt sau giai đoạn phát triển bề rộng, có thể thấy, từ giai đoạn 2017-2020, Chương trình OCOP tỉnh đã tập trung chuyển từ “lượng” sang “chất” ở các sản phẩm OCOP. Điều đưa lại chính là việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Việc ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng tiêu thụ nội địa rộng khắp, có mặt trên kệ các siêu thị lớn, khó tính như: Big C, Aeon... là tín hiệu đáng mừng.

Tại Hội nghị kể trên, đại diện 29 cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện thương mại đánh giá cao tiềm năng thu hút đầu tư và khả năng mở rộng thị trường, xuất khẩu các sản phẩm nông sản, OCOP chất lượng của tỉnh nhà. Các đại diện đánh giá cao sự chủ động kết nối, tiềm năng phát triển, chất lượng ngày càng được cải thiện của các sản phẩm nông nghiệp, OCOP, đặc biệt việc chú trọng quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu, tăng cường đầu tư hạ tầng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

Ông Iwan Rutjens, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam đánh giá cao tiềm năng kết nối xuất khẩu các sản phẩm giữa 2 bên và khẳng định: Sẽ tiếp tục là cầu nối để các doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng hợp tác trong xuất nhập khẩu hàng hoá giữa 2 bên.

Nhiều sản phẩm OCOP đã thay đổi mẫu mã, chất lượng nâng cao nhưng cần tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng, đảm bảo sản lượng... để đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu. Ảnh: QMG.

Tại Hội nghị, Cục XTTM (Bộ Công Thương), Sở Công Thương và Hiệp hội doanh nghiệp đã ký kết hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá Quảng Ninh ra nước ngoài. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, hội nghị sẽ là "cầu nối" tạo cơ hội để các cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại, tổ chức XTTM nước ngoài ở Việt Nam tìm hiểu những tiềm năng, khảo sát thị trường, kết nối XTTM; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu giữa các bên.

Đại diện Sở Công Thương cho biết, sau Hội nghị sẽ tiếp tục phối hợp với Cục XTTM (Bộ Công Thương) duy trì kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp để có thông tin thị trường cũng như hướng doanh nghiệp tới thị trường xuất khẩu tiềm năng. Như vậy, có thể nói cánh cửa xuất khẩu các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, lợi thế của địa phương, sản phẩm OCOP đang có nhiều thuận lợi.

Đáng mừng là gần đây, tỉnh đang thắt chặt quản lý chất lượng, cương quyết loại bỏ các sản phẩm không đạt chuẩn ra khỏi Chương trình OCOP, khuyến khích các địa phương đầu tư xây dựng các sản phẩm chất lượng cao hướng tới xuất khẩu. Điều mà các đại diện quan tâm, ngoài đảm bảo chất lượng, chính là các tiêu chuẩn cao về VSATTP, vùng nguyên liệu sẵn có phục vụ cho sản xuất, sản lượng đảm bảo...

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại nông nghiệp nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về năng suất, chất lượng, quy mô sản xuất, sự thích ứng, thay đổi về mẫu mã bao bì và sức cạnh tranh còn thấp. Cùng những tác động từ thời tiết, biến động thị trường thì việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu rõ ràng còn tồn tại nhiều "nút thắt" mà các doanh nghiệp cần quan tâm, tích cực cải thiện để dần tiệm cận các yêu cầu cao về hàng hoá xuất khẩu.


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất