Sức lan tỏa rộng rãi của Chương trình OCOP

Sức lan tỏa rộng rãi của Chương trình OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ... có lợi thế của từng địa phương. Sau một năm thực hiện, Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 đã có thành công bước đầu, dần tạo sức lan tỏa rộng rãi...

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ... có lợi thế của từng địa phương. Sau một năm thực hiện, Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 đã có thành công bước đầu, dần tạo sức lan tỏa rộng rãi...

Gà Tiên Yên (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những thương hiệu nổi tiếng, được người tiêu dùng tin tưởng. Ảnh: Quảng Ninh


Nâng giá trị nhờ Chương trình OCOP

Không riêng tỉnh Quảng Ninh, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, sau một năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay, cả nước đã có 42/63 tỉnh, thành phố được phê duyệt đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP. Trong đó, các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai... đã thực hiện Chương trình OCOP đạt hiệu quả khá tích cực. Các địa phương đã xét công nhận cho hơn 200 sản phẩm Chương trình OCOP với các mức “3 sao”, “4 sao” và “5 sao” (sản phẩm từ 1 đến 3 sao: Phục vụ thị trường trong nước; sản phẩm từ 4 đến 5 sao: Có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu). Để hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Bộ NN&PTNT đã xây dựng 26 tiêu chí đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP; quy trình đánh giá và phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP theo 3 cấp (cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương) làm cơ sở cho địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ triển khai tập huấn cho cán bộ từ trung ương đến địa phương trực tiếp tham gia thực hiện chương trình...

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Triển khai muộn hơn so với các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội dự kiến nâng cấp các sản phẩm hiện có để đạt "sao" theo quy định. “Hà Nội phấn đấu đưa 1.000 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Thành phố sẽ hỗ trợ các nhóm hàng nông sản xây dựng hệ thống truy xuất sản phẩm; tổ chức diễn đàn kết nối giao thương; đồng thời, tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ và các hộ dân tham gia Chương trình OCOP” - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết.

Tuy đạt một số kết quả tích cực, song theo Bộ NN&PTNT, hiện nay còn 21 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP, cần đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai cũng cần nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm, đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu, tạo điều kiện cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững... Mới đây, tại diễn đàn quốc tế “Kết nối mạng lưới toàn cầu mỗi xã một sản phẩm” do Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ NN&PTNT) đề xuất giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại; quảng bá, giới thiệu sản phẩm Chương trình OCOP có tiềm năng xuất khẩu; tạo cơ hội để người sản xuất nắm bắt thị hiếu khách hàng, phát triển sản phẩm phù hợp...

Để đẩy nhanh Chương trình OCOP, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương chỉ đạo quyết liệt các cơ quan tham mưu sớm ban hành đề án, kế hoạch triển khai nhằm thực hiện đồng bộ hóa Chương trình OCOP trong phạm vi cả nước. Đặc biệt, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong khai thác lợi thế Chương trình OCOP phục vụ phát triển kinh tế nông thôn. Mỗi địa phương cần nắm bắt cơ hội và tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường, tạo thêm sản phẩm Chương trình OCOP có giá trị cao về kinh tế, xã hội, văn hóa... làm tiền đề trong quy hoạch, chiến lược phát triển trên cơ sở lợi thế, thế mạnh vùng, miền.../.
                           VPĐP NTM TW


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất