Câu chuyện tìm lại thương hiệu cho sản phẩm đặc thù của tỉnh Bình Phước

Câu chuyện tìm lại thương hiệu cho sản phẩm đặc thù của tỉnh Bình Phước

Câu chuyện gìn giữ thương hiệu luôn là một bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách

Câu chuyện gìn giữ thương hiệu luôn là một bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách. Chẳng hạn như ở Bình Phước hiện có gần 180.000 ha cây điều. 90 xã thuộc 11 huyện, thị, thành phố của tỉnh được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” vô thời hạn. Thế nhưng, toàn tỉnh hiện chỉ có 5 trong tổng 1.400 doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều được phép mang chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao cạnh tranh, mở rộng thị trường cho sản phẩm mà còn giúp người trồng điều tăng thu nhập thông qua giá thành của sản phẩm. Các doanh nghiệp chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh chưa thật sự quan tâm đến giá trị thương hiệu hay nói cách khác là chưa quan tâm đến giá trị chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”.

Công nhân đang chọn lọc, phân loại hạt điều

 

Giám đốc công ty Trần Văn Sơn cho biết: Chỉ dẫn địa lý giống như giấy thông hành cho sản phẩm của doanh nghiệp. Khi sản phẩm hạt điều được gắn chỉ dẫn, có thể đi đến bất kỳ siêu thị hay thị trường nào. Đặc biệt là thị trường Mỹ và Thái Lan đánh giá rất cao và tin tưởng các sản phẩm có gắn chỉ dẫn địa lý. Bởi chỉ dẫn địa lý là cơ sở để truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Mỗi sản phẩm hạt điều rang muối có gắn chỉ dẫn địa lý và không được gắn chỉ dẫn địa lý chênh lệch nhau từ 50-60 ngàn đồng/kg. Điều đó cho thấy mỗi tấn hạt điều có thể giúp doanh nghiệp và người trồng điều tăng thêm 50 triệu đồng. Các sản phẩm có gắn chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” sẽ giúp người tiêu dùng chọn đúng sản phẩm, đúng chất lượng hạt điều được trồng, thu hoạch và chế biến tại Bình Phước.

Công ty TNHH Vinahe ở phường Phước Bình, thị xã Phước Long cũng hoạt động trong lĩnh vực chế biến sâu hạt điều. Hiện công ty có 6 sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều được trồng trên đất Bình Phước. Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất, công ty không chỉ liên kết thu mua ở các nông hộ mà còn đầu tư trồng thêm 7 ha cây điều làm vùng nguyên liệu cho chế biến. Doanh nghiệp này cũng đang hoàn tất thủ tục để được cấp phép sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”.

Giám đốc Công ty TNHH Vinahe Nguyễn Hoàng Đạt cho rằng: Trong điều kiện bùng nổ thông tin như hiện nay, việc gắn chỉ dẫn địa lý như lời cam kết của doanh nghiệp về chất lượng, uy tín, nguồn gốc của sản phẩm trước thị trường tiêu thụ. Nó là cơ sở để người tiêu dùng nhận biết sự khác biệt của từng sản phẩm, đồng thời có thể truy xuất nguồn gốc, quy trình trồng, chăm sóc, chế biến của sản phẩm ấy như thế nào. Sức khỏe của người tiêu dùng là trên hết. Bởi mỗi sản phẩm hạt điều làm ra là phục vụ sức khỏe của cộng đồng, người tiêu dùng. Vì vậy, cách tốt nhất để doanh nghiệp cam kết với người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm của mình chính là việc gắn logo chỉ dẫn địa lý.  

Chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” được triển khai thực hiện từ 2012 đến năm 2019 mới hoàn thành. Điều đó cho thấy, thời gian, công sức để làm nên chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” không đơn giản chút nào. Nói đến Phú Quốc người ta nghĩ ngay tới nước mắm, nhắc đến Ninh Thuận là người ta nghĩ đến những chùm nho và nói về Bình Phước khiến người ta liên tưởng đến hạt điều. Đó là những sản phẩm mang tính đặc thù, chuyên biệt của mỗi địa phương.

Logo chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”

 

Để tạo nên thương hiệu cho hạt điều của Bình Phước như quy trình chỉ dẫn địa lý đặt ra không dễ. Ngoài các yêu cầu về điều kiện kinh doanh theo luật định, các doanh nghiệp chế biến điều còn phải chứng minh được vùng nguyên liệu. Vùng nguyên liệu ấy được trồng, chăm sóc như thế nào, sản phẩm được thu hái theo quy trình nào, chất lượng ra sao, có đảm bảo an toàn không... Đây là một trong những yếu tố kỹ thuật bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện nếu muốn sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Và đây cũng là yếu tố khó nhất, mất nhiều thời gian nhất trong quy trình thực hiện cấp phép chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”.

Giám đốc Công ty cổ phần hạt điều Gia Bảo Trần Văn Sơn cho biết: Để chứng minh được vùng nguyên liệu, doanh nghiệp phải liên kết gần 60 nông hộ trồng điều thuộc 2 địa bàn Bù Đăng và Bù Gia Mập. Thế nhưng, đáp ứng được yêu cầu về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, trong số 60 hộ chỉ có 14 hộ đạt yêu cầu. Để thuyết phục được 14 nông hộ này trồng theo quy trình khuyến cáo của chỉ dẫn địa lý, doanh nghiệp phải đầu tư tiền công chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người trồng trước mỗi mùa vụ. Mỗi khi nhà nông kẹt vốn thì doanh nghiệp cũng phải cho mượn, chưa kể đến việc bao tiêu giá thành sản phẩm. Do vậy, để đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, công ty phải đầu tư trồng thêm 15 ha điều.

Tình trạng đất trồng điều của người dân hiện nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn chứng minh vùng nguyên liệu của mình. Đây cũng là lý do giải thích tại sao doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, có khi đến 2, 3 năm mới được cấp phép sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Theo số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ, toàn tỉnh hiện có trên 1.400 doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều nhưng mới có 5 doanh nghiệp được cấp phép sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Điều đó cho thấy doanh nghiệp chế biến hạt điều của Bình Phước chưa quan tâm đúng mức đến thương hiệu, chỉ dẫn địa lý mặc dù nó mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cả người trồng điều.

Sản phẩm hạt điều rang muối Bình Phước”

Chị Trần Thị Thu Phương ở thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập được thừa kế 9 ha điều của cha mẹ để lại. Năng suất bình quân vườn điều gia đình chị đạt 2,5 tấn/ha. Toàn bộ sản lượng hạt điều của gia đình chị Phương đều dành bán cho Công ty cổ phần hạt điều Gia Bảo. Chị Phương cho biết: Thời gian đầu cam kết làm ăn với doanh nghiệp cũng bán tín, bán nghi. Nhưng sau hơn 3 năm, công ty luôn mua hạt điều thô với giá cao hơn thị trường từ 2.000-3.500 đồng/kg. Vì vậy, mình tin tưởng nên tiếp tục gắn kết làm ăn với công ty đã hơn 8 năm.

Bình Phước hiện có gần 180 ngàn héc ta điều đang trong thời kỳ kinh doanh. Nếu toàn bộ diện tích đất trồng điều sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng kết nối để tạo pháp lý cho vùng nguyên liệu phát triển bền vững. Điều đó sẽ giúp người trồng điều gắn kết với cây điều nhiều hơn và dĩ nhiên sẽ giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định. Khi đó, người dân yên tâm sản xuất, doanh nghiệp có nguyên liệu để làm ra sản phẩm chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Điều đó cho thấy, thương hiệu của hạt điều Bình Phước đang nằm ngay trong diện tích cây điều và doanh nghiệp chế biến hạt điều. Các cơ quan chức năng cần phải tham gia hỗ trợ tích cực về pháp lý để tạo điều kiện cho thương hiệu hạt điều Bình Phước vươn xa./.
VPĐP NTM TW

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất