Sóc Trăng: Tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

Sóc Trăng: Tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

Để phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), ngành chức năng và các địa phương tỉnh Sóc Trăng đã tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Các hoạt động này đã trở thành cầu nối quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.

Những năm gần đây, cùng với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ những lợi thế có được, các địa phương đã khai thác tiềm năng, thế mạnh để thực hiện Chương trình OCOP. Sau thời gian thực hiện, đến nay chương trình đã lan tỏa rộng khắp, qua đó góp phần tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đây là bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, giúp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất hơn. Đặc biệt, việc 39 sản phẩm của 21 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh được trao giấy công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng trong năm 2019 đã mở ra nhiều triển vọng phát triển cho các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của tỉnh.

Từ sự kiện trên, Sở Công thương đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tích cực, chủ động đẩy mạnh thực hiện công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP và sản phẩm OCOP tiềm năng của tỉnh. Ngoài ra, đơn vị cũng thông tin, vận động và tổ chức cho 80 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã để tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm hàng hóa đặc sản, chủ lực của tỉnh.

Từ hiệu quả của Chương trình OCOP và các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần thúc đẩy hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Thiên Vạn Tường (Kế Sách), trong năm 2019, công ty có sản phẩm nấm linh chi thái lát và đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa là 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Từ kết quả này đã giúp công ty có doanh thu cao hơn bởi khi các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đã làm khách hàng thấy yên tâm và sử dụng nhiều hơn. Cụ thể, nấm linh chi thái lát có doanh thu tăng 1,09% và đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa có doanh thu tăng 1,42% so với năm trước.

 

Sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa có thương hiệu với chất lượng đảm bảo được thị trường đón nhận. Ảnh: BST.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, Sở Công thương đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm OCOP tiềm năng của tỉnh. Theo đó, Sở Công thương sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan tiến hành xây dựng và xuất bản ấn phẩm xúc tiến thương mại, video clip để giới thiệu về từng loại sản phẩm OCOP của tỉnh; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP; phối hợp tổ chức các sự kiện OCOP; tổ chức các chuyến kết nối cung - cầu, tạo lập thị trường cho các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh; tập huấn về thị trường để trang bị cho các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP thêm kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, điều hành triển khai Chương trình OCOP và phát triển sản phẩm. Đặc biệt hơn, Sở Công thương còn tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản vùng miền tại tỉnh Sóc Trăng năm 2020. Theo đó, hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu và phát triển sản phẩm OCOP; các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Từ đó sẽ đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ.

Theo ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công thương, trong thời gian tới, địa phương cần thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngăn chặn và tiêu hủy các mặt hàng không đạt tiêu chuẩn… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa có thương hiệu với chất lượng đảm bảo được thị trường đón nhận.

Trong bối cảnh hiện nay, phần lớn các đơn vị, doanh nghiệp OCOP của trong tỉnh là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn vốn, khả năng để phát triển, quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Do đó, việc hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia xúc tiến thương mại của Nhà nước và sự phối hợp, đồng hành của các chủ thể OCOP là điều cần thiết để mở rộng sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thế cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất