Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP: Khẳng định thương hiệu Quảng Ninh

Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP: Khẳng định thương hiệu Quảng Ninh

Chất lượng đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phân phối rộng rãi... là những ưu điểm mà sản phẩm OCOP Quảng Ninh đang chinh phục khách hàng trong và ngoài tỉnh. Từ đó, khẳng định thương hiệu, trở thành thói quen tiêu dùng trong đời sống hàng ngày của người dân.

 tiêu dùng trong đời sống hàng ngày của người dân.

Chất lượng là nhân tố chính

Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và địa phương đã phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; chú trọng những sản phẩm đặc trưng của địa phương; tích cực kiểm tra công tác vệ sinh ATTP; kiểm tra, ngăn chặn, tiêu hủy các mặt hàng không đạt tiêu chuẩn...

Huyện Bình Liêu là một trong những địa phương nổi tiếng với sản phẩm chủ lực cấp tỉnh “miến dong Bình Liêu”. Huyện đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp từ việc hỗ trợ người dân phát triển vùng nguyên liệu, định hướng đầu tư trang thiết bị hiện đại, đến việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ củ dong, xúc tiến thương mại sản phẩm. Đến nay, sản phẩm miến dong Bình Liêu đã đưa vào hệ thống bán hàng hiện đại như: BigC, Q-mart; Big Green, Vinmart...

Người dân Bình Liêu phơi miến dong - đặc sản OCOP chủ lực của huyện.

Ảnh: La Lành

Không chỉ ở Bình Liêu, huyện Đầm Hà đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, được các doanh nghiệp và HTX ủng hộ. Ông Tô Phúc Thịnh, Chủ nhiệm HTX Thương mại, dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Đức Thịnh, cho biết: Quy trình nuôi cá lồng bè của các thành viên HTX được thực hiện rất khắt khe. Từ lựa chọn vùng nước nuôi, con giống, thức ăn, tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ theo quy trình VietGAP. Trung bình mỗi năm, sản lượng nuôi cá lồng bè của HTX đạt trên 90 tấn, cho doanh thu trên 2 tỷ đồng. Đây là hướng đi đúng đắn, mang lại danh hiệu Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam cho sản phẩm cá lồng bè. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng vùng nuôi trồng thuỷ sản an toàn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm thuỷ sản nên chúng tôi có đầu ra ổn định, không lo bị mất giá.

Cùng với việc nâng cao chất lượng, mở rộng sản xuất ở các doanh nghiệp địa phương, Ban Chỉ đạo OCOP cấp tỉnh còn đổi mới, siết chặt các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm trong cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm. Năm 2018, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2017-2020 với nhiều sửa đổi. Trong đó, chất lượng sản phẩm là yếu tố chiếm phần lớn số điểm trong bộ tiêu chí; tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm được đưa lên hàng đầu. Đồng thời, tăng 5 điểm trong thang điểm của tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm, từ 45 điểm lên 50 điểm. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm OCOP không ngừng được nâng cao.

Để giữ vững thương hiệu

Đến nay, sử dụng sản phẩm OCOP đã trở thành thói quen của người dân Đất mỏ. Chỉ cần nghe thông tin tổ chức hội chợ OCOP, người người lại háo hức tham gia, chọn mua nông sản sạch, đặc sản từ khắp nơi trong tỉnh. Những con số về lượng người tham gia và doanh thu qua mỗi kỳ tổ chức hội chợ OCOP chính là minh chứng rõ nét nhất cho “văn hóa OCOP”, trở thành thói quen tiêu dùng của người Quảng Ninh. Từ năm 2009-2018 trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 194 hội chợ, triển lãm, phiên chợ, tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP Quảng Ninh, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan mua sắm, với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi lần tổ chức.

Để chinh phục người tiêu dùng, tỉnh xác định nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP thông qua hàng loạt các cuộc thi. Phó trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới Nguyễn Văn Đức cho biết: Thời gian tới, các địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ tổ chức cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi đánh giá cấp tỉnh, công bố trao chứng nhận sản phẩm đạt sao tại hội chợ OCOP dịp 2/9. Song song với đó, các ban, ngành cũng tích cực kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã hết hạn cấp lại sao sau 3 năm theo quy định; rà soát tem nhãn toàn bộ các sản phẩm OCOP. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức sản xuất có sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, kiên quyết đưa ra khỏi chương trình.

Đặc biệt, theo kế hoạch năm 2019, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương hoàn thành việc phê duyệt và triển khai dự án phát triển 31 sản phẩm OCOP chủ lực cấp huyện. Trong đó, tập trung phát triển 12 sản phẩm cấp tỉnh và 6 sản phẩm định hướng cấp quốc gia. Đồng thời, gắn phát triển sản phẩm OCOP chủ lực với việc thúc đẩy phát triển 18 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung. Sản phẩm chủ lực phải đảm bảo gia tăng cao về giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Cụ thể: Rà soát, xây dựng, công bố, hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm và đăng ký bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn, tên thương mại của hàng Việt trong và ngoài nước. Từ đó, khẳng định chất lượng sản phẩm, lan tỏa thương hiệu OCOP trong và ngoài nước./.                                                                                                                                                                                     

Theo Báo Quảng Ninh


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất