Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP tỉnh Bắc Kạn

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP tỉnh Bắc Kạn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, với nhiều sản phẩm đặc sản như: Gạo bao thai, gạo nếp nương, miến dong, khoai sọ, lạp sườn, hồng không hạt, cam quýt, bí xanh thơm, rượu men lá, thịt hun khói…

Miến dong Na Rì, đặc sản của Bắc Kạn

Hiện nay toàn quốc đang triển khai thực hiện Chương trình trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo Quyết định số 490/QD-TTG ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng gía trị. Trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế. Các sản phẩm tạo ra từ chương trình có sự khác biệt mang đặc thù gắn với nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng có của mỗi địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, với nhiều sản phẩm đặc sản như: Gạo bao thai, gạo nếp nương, miến dong, khoai sọ, lạp sườn, hồng không hạt, cam quýt, bí xanh thơm, rượu men lá, thịt hun khói…; đây là những sản phẩm của tỉnh có thể phát triển để tạo thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường. Ngoài các sản phẩm đặc trưng về văn hóa ẩm thực, còn có các sản phẩm thủ công truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, đan lát,.... Văn hóa đặc trưng cho mỗi dân tộc, mỗi vùng miền như nghệ thuật hát Then, lễ hội Lồng tồng, chợ Phiên. Có nhiều điểm danh lam thắng cảnh tập trung ở vùng nông thôn như Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, được công nhận là Vườn di sản ASEAN năm 2011; Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì, Bạch Thông); hệ thống hang động lớn (động Puông, động Hua Mạ, động Nàng Tiên, động Thạch Long,...),... Các yếu tố văn hóa, lịch sử khác như An toàn khu (ATK) - Chợ Đồn, nơi Bác Hồ đã hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Pháp; Di tích Nà Tu, Chiến Thắng đèo Giàng. 

  Xác định thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm là một giải pháp thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn toàn tỉnh. Chính vì vậy ngay từ đầu nhiệm kỳ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã chỉ đạo quyết liệt trong quá trình tổ chức thực hiện, đây là một nội dung tập trung chỉ đạo thực hiện trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2015-2020 (Chương trình hành động số 04 –CTr/TU ngày 15/01/2016) của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Trên cơ sở đó UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tập trung tổ chức thực hiện. Ngay từ năm 2016 tỉnh đã thành lập Ban điều hành Đề án/Chương trình để chỉ đạo thực hiện; tổ chức điều tra các sản phẩm theo 6 nhóm ngành hàng của Chương trình OCOP để xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu phục vụ xây dựng Đề án; tổ chức xây dựng và phê duyệt Đề án của tỉnh giai đoạn 2018-2020; chỉ đạo các huyện, thành phố có kế hoạch thực hiện cả giai đoạn cũng như hàng năm; tổ chức bộ máy giúp việc bố trí nhân sự có năng lực để tham mưu thực hiện; bố trí nguồn lực Chương trình (đã bố trí trực tiếp từ ngân sách địa phương: 1,487 tỷ đồng; Phân bổ kinh phí trực tiếp từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các hoạt động của Đề án 2,8 tỷ đồng) và chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các  huyện, thành phố lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển các sản phẩm tham gia Chương trình. Đồng thời, nghiên cứu triển khai ngay các bước theo Chu trình thường niên của Chương trình OCOP từ đầu năm 2018 để tuyên truyền phổ biến và để các tổ chức kinh tế có các sản phẩm có thể phát triển sản xuất hàng hóa đăng ký tham gia Chương trình OCOP.

Trong năm 2018 đã có 56 tổ chức đăng ký 76 sản phẩm tham gia, sau khi các tổ chức kinh tế đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình, các cơ quan chuyên môn đã có các hoạt động tư vấn, tập huấn, hỗ trợ nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế và hoàn thiện các sản phẩm tham gia Chương trình; xây dựng được Bộ công cụ để quản lý chất lượng sản phẩm (Bộ Tiêu chí tạm thời đánh giá sản phẩm); tổ chức đánh giá xếp hạng, cấp giấy công nhận cho 37 sản phẩm của 32 doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ sản xuất với 32 sản phẩm 3 sao và 05 sản phẩm 4 sao, nhiều sản phẩm có mẫu mã, bao bì đẹp, kiểu dáng phù hợp, chất lượng đạt các tiêu chuẩn quy định của Nhà nước đưa ra được thị trường công nhận; tổ chức nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp và đại diện các tổ chức kinh tế; bố trí kinh phí cho các hoạt động của Chương trình; tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP; bố trí nhân lực để tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn toàn tỉnh…

Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển triển kinh tế khu vực nông thôn trong đó có tác động đến thực hiện Chương trình OCOP: Nghị quyết số 09/2015/NQ-HĐND ngày 03/4/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2015-2020; Nghị quyết số 11/2015/NQ-HĐND ngày 03/4/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc Quy định một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020...

Đây là những kết quả ban đầu thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tạo đà để năm 2019 tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình theo Chu trình thường niên để phấn đấu đạt được mục tiêu của Chương trình đến năm 2020. Trong quá trình thực hiện ở Bắc Kạn, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền các cấp, thể hiện bằng việc ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động để chỉ đọa tổ chức thực hiện. Chính quyền các cấp phải  xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết từng năm, có đánh giá tổng kết để rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hai là, phải có bộ máy, nhân sự để triển khai các hoạt động của Chương trình, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền để vận động các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình. Cán bộ chuyên môn thường xuyên tìm hiểu, tiếp cận giúp đỡ các tổ chức kinh tế trong quá trình thực hiện từ khâu đăng ký sản phẩm tham gia cho đến quá trình xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, hoàn thiện sản phẩm. Vì, đặc thù các tỉnh miền núi như Bắc Kạn các tổ chức kinh tế còn nhiều hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm, năng lực tổ chức thực hiện…

Ba là, tổ chức tốt Chương trình góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng nhất là các vùng miền núi vùng cao về sản xuất hàng hóa. Chương trình OCOP đã tạo nên những chuyển biến căn bản, tích cực như sự nhận thức của người dân và tổ chức kinh tế đã được nâng lên đặc biệt là ở vùng nông thôn trong việc thay đổi tập quán sản xuất cũ, nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, nay bắt đầu người dân đã dần từng bước được tiếp cận với phương thúc sản xuất mới theo chuỗi liên kết và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm đồng thời gắn sản xuất với công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị quảng bá sản phẩm.

Bốn là, chương trình OCOP đã tạo ra một giải pháp rất quan trọng để thúc đẩy sản xuất phát triển kinh tế gắn với nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Chương trình OCOP đã từng bước góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập đời sống cho nhân dân, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn. Trong thời gian qua một số sản phẩm thô sơ đã trở thành những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao được thị trường đón nhận như: Gạo khẩu nua lếch Ngân Sơn, miến dong Bắc Kạn, tinh bột nghệ cao cấp Cucumin... Sau khi công nhận sản phẩm năm 2018, một số sản phẩm đã có bước phát triển qua đánh giá sơ bộ có khoảng 54% tổ chức kinh tế tăng doanh thu từ 1,1 đến1,4 lần; 27% tổ chức kinh tế tăng doanh thu 1,5-2 lần và có khoảng 19 % tổ chức kinh tế tăng doanh thu lớn hơn 2 lần.

Năm là, để triển khai thực hiện thành công của Chương trình OCOP công tác thông tin truyền thông, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, các tổ chức kinh tế đóng vai trò rất quan trọng, là yếu tố quyết định thành công của các tổ chức kinh tế, vì các hợp tác xã, tổ hợp tác kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế về nhận thức, kiến thức, tầm nhìn; quản trị, quản lý, điều hành... mặt khác cần có cơ chế, chính sách hợp lý, hỗ trợ kịp thời phù hợp với tiềm năng, lợi thế và thực trạng ở từng địa phương để triển khai thực hiện.

Sáu là, tổ chức thực hiện tốt Chương trình OCOP góp phần phát triển có hiệu quả kinh tế khu vực nông thôn. Hiện nay tại một số địa phương đã bắt đầu có sự chuyển mình, có sự lan tỏa trong quá trình khởi nghiệp, các nhóm sở thích bắt đầu hình thành từ tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ. Và đây là những nhân tố đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện Chương trình OCOP, chính người dân và tổ chức kinh tế cộng đồng phát hiện ra tiềm năng thế mạnh của quê hương mình, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh nhất, đồng thời lập kế hoạch phát triển, tập trung sản xuất chế biến để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường. Động lực cơ bản để Chương trình phát triển bền vững chính là đặt người dân nông thôn vào vị trí trung tâm trong quá trình triển khai của Chương trình…

       VPĐP NTM TW

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất