Hướng đi mới triển vọng cho Chương trình OCOP gắn du lịch với nông nghiệp xanh

Hướng đi mới triển vọng cho Chương trình OCOP gắn du lịch với nông nghiệp xanh

Du lịch nông nghiệp là hoạt động du lịch gắn với sản phẩm là các trải nghiệm nông nghiệp, thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, vừa để tăng thu nhập cho nông dân vừa tạo cho du khách cơ hội trải nghiệm đời sống nông thôn và thưởng thức các đặc sản vùng miền. Thậm chí du khách có thể trực tiếp tham gia lao động sản xuất với nông dân, sau đó thưởng thức những sản phẩm do tự tay mình làm ra. Việc phát triển du lịch nông nghiệp góp phần bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như các ngành nghề truyền thống ở nông thôn.

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, cộng với không gian đô thị ngày càng chật chội, ngột ngạt, thì loại hình du lịch ở vùng nông thôn với các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp ngày được nhiều người lựa chọn, kể cả du khách nước ngoài.

Tuy nhiên, phần lớn hoạt động du lịch nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Hầu như nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, thiếu các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phụ trợ tại các điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư đảm bảo chất lượng.

Du lịch nông nghiệp gắp mới NTM đang được quan tâm phát triển

Trong khi đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hiện đang được các địa phương trên cả nước triển khai rầm rộ và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh Quảng Trị có gần 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia Chương trình OCOP. Hiện nay có 5 sản phẩm có doanh thu từ 20 tỉ đồng/ năm trở lên, gồm: Nước mắm (52,6 tỉ đồng), Bún bánh (85 tỉ đồng), cá hấp (60 tỉ đồng), ném củ (21 tỉ đồng) và cao dược liệu (20 tỉ đồng). Thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm gồm thị trường trong tỉnh, khu vực Trung Bộ và xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài như Lào, Trung Quốc…

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp với hệ thống 61 làng nghề, làng có nghề và nhiều đặc sản văn hóa, ẩm thực của từng địa phương. Vì vậy, theo chúng tôi, cần có chiến lược bài bản gắn phát triển Chương trình OCOP và du lịch nông nghiệp trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch. Để thực hiện mục tiêu này, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành trong phát triển sản phẩm; kết nối chuỗi giá trị đầu vào, tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, mẫu mã cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm…cho nông dân.

Du lịch nông nghiệp gắn với OCOP là một giải pháp hiệu quả trong việc tiêu thụ sản phẩm

Đối với những cơ sở có sản phẩm đã được công nhận thương hiệu và người tiêu dùng ưa chuộng, bên cạnh tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phụ trợ, cảnh quan khu vực sản xuất, trang thiết bị… để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Du lịch nông nghiệp không phải là về nông thôn chơi, sau đó mua một vài sản phẩm nông nghiệp mang về nhà thưởng thức mà du khách vừa muốn trực tiếp trải nghiệm lao động sản xuất cùng nông dân, vừa thưởng thức đặc sản thôn quê do tự tay mình sản xuất, chế biến, đồng thời nghỉ ngơi, thư giãn giữa khung cảnh đồng quê.

Ngành du lịch bên cạnh phối hợp quảng bá, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của địa phương, cần quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn cả về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện. Tăng cường kết nối với các công ty lữ hành thiết kế các tour, tuyến tạo chuỗi liên kết các sản phẩm du lịch để tăng tính đa dạng, sức hấp dẫn nhằm giữ chân du khách. Trong thời buổi du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm đang ngày càng thu hút khách du lịch ở mọi lứa tuổi thì người nông dân không chỉ biết làm nông giỏi mà còn phải biết làm du lịch giỏi, biết phục vụ du khách để giá trị kinh tế của một mảnh vườn không phải chỉ tính bằng giá bán những sản phẩm được trồng trên đó.

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phải gắn kết mật thiết với việc hình thành các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ và nét văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương, vùng, miền, làm cơ sở để thu hút du khách đến trải nghiệm, thưởng thức, tiêu thụ. Tỉnh Quảng Trị có khu vực nông thôn, miền núi, miền biển chiếm diện tích lớn, còn tương đối thuần túy, ít chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, đây là một lợi thế trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hầu hết các vùng quê của Quảng Trị đều có các sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc trưng của mình, đây lại là lợi thế để phát triển Chương trình OCOP.

Đặc biệt, người dân Quảng Trị hồn hậu, cần cù, chất phác và luôn luôn hiếu khách. Việc cần làm bây giờ là đặt Chương trình OCOP và hoạt động du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng trong một chiến lược phát triển bài bản, hài hòa, có sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, để từ đó góp phần đưa công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt hiệu quả cao và bền vững hơn./.

Theo Báo Quảng Trị

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất