Thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP

Thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025 (Chương trình OCOP) của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với 24 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng, qua đó, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Nhãn Hưng Yên - Một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh

 

Năm 2020, UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tiếp tục duy trì 100% số sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng; phấn đấu có khoảng 30 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao trở lên. Để bảo đảm kế hoạch đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng Chương trình OCOP năm 2020. Ngay sau khi các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ… được phép hoạt động trở lại sau giai đoạn giãn cách toàn xã hội chống dịch Covid-19, các huyện, thị xã, thành phố đã khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện Chương trình OCOP năm 2020; kiện toàn hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện năm 2020; cử cán bộ chủ trì, phối hợp cùng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX), chủ hộ đăng ký kinh doanh trên địa bàn có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2020. Công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP năm 2020 giai đoạn 1 được các địa phương hoàn tất trước ngày 10.6. 

Thực hiện Chương trình OCOP, huyện Phù Cừ đã tổ chức làm việc với UBND các xã, thị trấn để lựa chọn những sản phẩm là thế mạnh của địa phương tham gia chương trình; đồng thời, hướng dẫn các bước thực hiện chương trình, triển khai bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21.8.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm… Để chương trình được triển khai hiệu quả, huyện còn tổ chức hội nghị hướng dẫn lập hồ sơ sản phẩm đăng ký tham dự chương trình; chỉ đạo tổ chức khảo sát, hướng dẫn trực tiếp tại các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký để lựa chọn, đánh giá, phân hạng đợt 1 năm 2020 gồm 5 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm. Theo đó, ngày 2.6, UBND huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng 5 sản phẩm sản phẩm OCOP của 5 HTX đăng ký tham gia đánh giá. Các sản phẩm gồm: Vải trứng, vải lai chín sớm, cam đường canh, nhãn... Qua đánh giá, xếp hạng, có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Huyện hướng dẫn các HTX xây dựng bản giới thiệu phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm, bản giới thiệu đơn vị đăng ký sản phẩm để nộp về Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng.

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, từ đầu năm đến nay, chi cục đã phối hợp với phòng nông nghiệp và PTNT, phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 10 lớp tập huấn kiến thức chuyên môn về Chương trình OCOP cho hơn 1,1 nghìn học viên là thành viên ban chỉ đạo, hội đồng đánh giá chất lượng sản phẩm, tổ giúp việc cấp huyện, cán bộ xã, thôn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiêu biểu. Bên cạnh đó, chi cục còn hướng dẫn, hỗ trợ 13 chủ thể sản xuất lập 25 hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh đợt 1 năm 2020 gồm: 24 sản phẩm đề nghị xếp hạng mới, 1 sản phẩm đề nghị nâng hạng. Đến nay, đã có 6 huyện tổ chức đánh giá, gửi hồ sơ trình Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng cho hơn 20 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Các sản phẩm được đánh giá lần này gồm: Mật ong hoa nhãn, sữa ong chúa, vải trứng, bột mầm đậu nành… Trong đó, nhiều sản phẩm được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đánh giá đạt 4 sao.

Tuy nhiên, đến nay, số lượng sản phẩm và doanh nghiệp tham gia đánh giá xếp hạng OCOP còn ít so với tiềm năng và không đồng đều giữa các địa phương. Để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai rà soát các tổ chức kinh tế, các sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất đăng ký tham gia, hoàn thiện; ưu tiên nâng cấp, phát triển những sản phẩm đã được công nhận. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các siêu thị, trung tâm thương mại, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất; sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tăng cường công tác quản lý chất lượng theo hệ thống truy xuất, các tiêu chí, tiêu chuẩn của các ngành, lĩnh vực. 

Theo Báo điện tử Hưng Yên

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất