Hiệu quả từ chương trình OCOP
Với 1ha bưởi da xanh, mỗi năm gia đình ông Trịnh Ngọc Trung, (ấp Quới Lợi, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đạt năng suất gần 20 tấn/ha, cho lãi trên 500 triệu đồng/năm.
Theo ông Trung, thay vì cách sản xuất truyền thống như trước đây, sử dụng nhiều các loại phân thuốc hóa học, giờ đây gia đình ông đã chuyển qua ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Việc sản xuất theo hướng sạch này giúp chấy lượng trái bưởi cao hơn. Nhờ vậy, thương lái đến tận vườn của ông để thu mua với giá cao hơn các vườn bưởi khác từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Tương tự, ông Phùng Ngọc Chương (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) - chia sẻ: Hiện cây bưởi da xanh đang là nguồn thu chủ yêu của gia đình ông cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn. Với hơn 5.000m2 trồng bưởi da xanh chuyên canh, mỗi năm, gia đình ông thu được hơn 10 tấn bưởi. Tùy từng thời điểm, giá bưởi da xanh dao động từ 50.000 – 80.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Chương thu lãi gần 300 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiết - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, chôm chôm…. là những sản phẩm có nhiều tiềm năng phát triển của huyện. Cùng với đó, huyện cũng có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ dừa, các loại trái cây, đồ thủ công mỹ nghệ. Hiện nay, nhiều sản phẩm của huyện đã đạt chứng nhận OCOP từ 3- 4 sao như đu đủ sấy dẻo, xoài sấy dẻo, bưởi da xanh và sản phẩm dừa tươi.
Sở Công Thương Bến Tre sẽ phát triển thêm các cửa hàng nhằm hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh.
Tăng liên kết, xúc tiến thương mại cho sản phẩm
Theo Giám đốc Sở Công Thương Châu Văn Bình, đầu năm 2020 tỉnh đã trao chứng nhận OCOP cho 37 sản phẩm. Trong đó, nhiều sản phẩm nông sản được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao. Những sản phẩm này được truy xuất nguồn gốc từ các vùng nuôi trồng có chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP.
Một cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Bến Tre
Ông Bình cho rằng, với tình hình phát triển hiện nay, tỉnh rất cần có những cửa hàng tiêu thụ sản phẩm, cũng như giải quyết đầu ra cho các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương của tỉnh.
Do đó, năm 2019, Sở Công Thương Bến Tre đã phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) công bố điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên tuyến quốc lộ 60, địa bàn huyện Châu Thành. Trong năm 2020, Sở Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng các cửa hàng bán sản phẩm OCOP, đặc sản tỉnh; đồng thời tích cực tham dự các hội chợ, sự kiện để tăng cường kênh xúc tiến thương mại, quảng bá cho doanh nghiệp địa phương.
“Sở Công Thương sẽ có đánh giá để nhân rộng mô hình tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… và sẽ phát triển thêm 12 cửa hàng bán sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh. Sở khuyến khích người khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, các hợp tác xã mạnh dạn đăng ký nhu cầu, từ đó Sở sẽ xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng. Mỗi huyện, thành phố sẽ được xây dựng từ 1 - 2 cửa hàng”, ông Châu Văn Bình nhấn mạnh.
Theo Kim Ngân