QUẢNG BÌNH: TẠO

QUẢNG BÌNH: TẠO

Năm 2018, TP. Đồng Hới (Quảng Ninh) thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt chương trình OCOP). Trên cơ sở đó, thành phố triển khai cho các địa phương, vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ (gọi chung là các chủ thể) đăng ký và xây dựng sản phẩm đặc trưng, có lợi thế. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai chương trình gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới cho biết, triển khai chương trình, TP. Đồng Hới lựa chọn những sản phẩm thế mạnh và có nền tảng từ trước, như: thực phẩm, đồ uống, du lịch, đồ lưu niệm…, để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Dựa trên lợi thế sẵn có, chương trình OCOP được TP. Đồng Hới bắt tay vào triển khai thực hiện nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng các địa phương, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.

 Theo đó, các chủ thể tham gia vào chương trình OCOP vừa khai thác, duy trì và phát huy những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề truyền thống, vừa tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, bảo đảm về chất lượng; đồng thời, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, thông qua chương trình, các chủ thể OCOP có cơ hội tìm hiểu, củng cố, nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; cởi mở trao đổi, chia sẻ với đối tác và cơ quan quản lý nhà nước…

 Năm 2019, có 2 sản phẩm, gồm: khoai gieo Linh Huệ của Công ty TNHH Linh Huệ và rượu sim Hùng Nhung của Cơ sở sản xuất rượu truyền thống Hùng Nhung ở phường Bắc Lý thuộc chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây chính là cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết để hai sản phẩm từng bước mở rộng thương hiệu trên thị trường. Đáng kể, mặt hàng khoai gieo của Công ty TNHH Linh Huệ đã có chỗ đứng trên thị trường, có đại lý phân phối sản phẩm tại 15 tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi ngày, công ty xuất ra thị trường từ 1-2 tạ khoai gieo đã đóng gói, thu lãi trên 250 triệu đồng/năm.

 Sau thành công của 2 sản phẩm trên, đầu năm 2020, TP. Đồng Hới có 11 xã, phường đăng ký tham gia chương trình OCOP. Hầu hết các sản phẩm đăng ký đều đã có quá trình đầu tư lâu dài và được thị trường công nhận, như: xã Thuận Đức với sản phẩm tinh dầu tràm; xã Đức Ninh có gạo sạch; phường Hải Thành với sản phẩm hải sản, bún bánh; xã Bảo Ninh với hải sản khô, nước mắm; phường Đồng Sơn có nem chả, gà thả vườn…

 Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Trưởng phòng Kinh tế, TP. Đồng Hới, năm nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, trở ngại hơn. Đến thời điểm này, TP. Đồng Hới chỉ có 2 chủ thể đăng ký và mđược lựa chọn để tham gia chương trình OCOP với 3 sản phẩm. Đó là sản phẩm nước mắm và mực khô của HTX Dịch vụ và chế biến Long Tám (xã Bảo Ninh); sản phẩm tôm khô của HTX Chế biến thủy hải sản Phương Hiền (xã Quang Phú). Hiện chương trình OCOP đã thực hiện bước đánh giá, phân hạng cấp thành phố và hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh năm 2020. Đây là các chủ thể có tâm huyết và quyết tâm xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn của chương trình OCOP.

 Thực tế xây dựng sản phẩm OCOP tại TP. Đồng Hới cho thấy, tiến độ triển khai chương trình khá chậm so với kế hoạch đề ra. Đáng lưu ý, xã Bảo Ninh, Quang Phú đã “lỗi hẹn” với NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao trong năm 2019 do lúng túng, chưa xây dựng sản phẩm OCOP nên không hoàn thành nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng NTM. Cùng với đó, việc 4 xã (Nghĩa Ninh, Thuận Đức, Lộc Ninh, Đức Ninh) hiện đang triển khai khảo sát, định hình sản phẩm để thực hiện hồ sơ tham gia chương trình OCOP theo quy trình là khá chậm theo tiến độ.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Trưởng phòng Kinh tế cho rằng, là thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi, thế nhưng Đồng Hới cũng không nằm ngoài rào cản từ những khó khăn trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP. Trước hết, tư tưởng và nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia chương trình OCOP của các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất bước đầu còn hạn chế, nên các chủ thể không “mặn mà" tham gia. Cùng với đó, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố không nhiều.

 Mặt khác, như chị Đào Thị Tám, HTX Dịch vụ và chế biến Long Tám chia sẻ: “Các chủ thể được thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình làm hồ sơ, thủ tục. Ngoài ra, các khoản kinh phí, như: đầu tư làm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm…, khá tốn kém, nhưng đều do cơ sở tự xoay sở, đi kèm là thủ tục hành chính khá rườm rà. Trong khi đó, kinh phí của thành phố để hỗ trợ cho các chủ thể lại eo hẹp nên muốn đẩy nhanh tiến trình cũng rất khó. Vì vậy, các cấp, ngành cần tạo điều kiện hỗ trợ để các chủ thể nâng tầm sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cũng như tiếp tục đăng ký tham gia chương trình với các sản phẩm khác trong thời gian tới…”.

Các sản phẩm đặc thù của các địa phương còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Người dân chưa chú trọng đến việc xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, chất lượng để thu hút người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm. Đơn cử, một số sản phẩm của các địa phương đang được định hình để tham gia chương trình OCOP, như: tinh dầu tràm của xã Thuận Đức; nước lọc đóng chai của xã Lộc Ninh, Nghĩa Ninh… Đặc biệt, khả năng tổ chức sản xuất, tiêu thụ, năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm và kỹ năng về thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm... của các chủ thể còn rất hạn chế. Chính vì thế, mặc dù các sản phẩm này đều được đánh giá cao về chất lượng nhưng lại chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu cần thiết khi đưa ra thị trường, nên ít được người tiêu dùng biết đến và không thể "chen chân" vào các kênh phân phối, tiêu dùng hiện đại.

 Theo ông Nguyễn Đức Cường, OCOP là một chương trình phát triển kinh tế-xã hội quan trọng, nhưng để xây dựng thành công sản phẩm OCOP không phải là chuyện làm một sớm, một chiều, đòi hỏi nỗ lực của các cấp chính quyền và các chủ thể tham gia. Chính vì vậy, chính quyền các cấp từ thành phố đến các xã, phường cần tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động các chủ thể sản xuất để nâng cao nhận thức, khơi dậy sự sáng tạo và ý chí của người dân trong việc hình thành những sản phẩm mang thương hiệu riêng của địa phương.

Việc triển khai hiệu quả chương trình OCOP sẽ phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn TP. Đồng Hới.

OCOP là bước đi mới trong xây dựng NTM, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Để đạt được những mục tiêu 6/6 xã hoàn thành NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, cả hệ thống chính trị, các phòng, ban liên quan và địa phương phải xem OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng NTM bền vững.

 Trên cơ sở đó, các địa phương khẩn trương khảo sát các sản phẩm, tư vấn giúp các chủ cơ sở sản xuất triển khai phát triển sản phẩm theo các tiêu chí của chương trình OCOP. Trong đó, xác định được nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế của địa phương để tập trung chỉ đạo mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và sản lượng, hoàn thiện kiểu dáng công nghiệp bao bì sản phẩm...

Riêng đối với các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, TP. Đồng Hới cần tiếp tục duy trì, nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm, quản lý hoạt động của các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP để đạt hiệu quả và phát triển bền vững. Qua đó, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển nghề địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và kinh tế của địa phương.

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất