Bình Thuận đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn qua triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Bình Thuận đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn qua triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Thời gian qua, cùng với cả nước, Bình Thuận đã tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Để chương trình đạt hiệu quả cao hơn, cần thực hiện nhiều giải pháp hơn trong thời gian tới.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Tại Bình Thuận, năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận năm 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận. Thực hiện chỉ đạo chỉ đạo của UBND tỉnh, việc triển khai được tiến hành đồng bộ tại các địa phương trong tỉnh.

Qua hơn 01 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Trong năm 2020, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh tập trung vào các nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược như: Quả thanh long tươi, thanh long sấy dẻo, siro thanh long, rượu vang thanh long, nước mắm truyền thống, gạo, hạt điều rang muối…, đây là các sản phẩm mang tính đặc trưng của từng khu vực trên địa bàn tỉnh, một số sản phẩm truyền thống hình thành từ lâu đời.

Hiện nay, đã hoàn thành việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện cho 10 huyện, thị xã, thành phố, có 73/82 sản phẩm đạt yêu cầu (22 sản phẩm 4 sao; 51 sản phẩm 3 sao; 01 sản phẩm 2 sao); trong 73 sản phẩm cấp huyện có 68 sản phẩm đạt 3-4 sao được UBND cấp huyện đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh tổ chức thẩm định, đánh giá công nhận sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh năm 2020. Kết quả có 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, còn lại 30 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho biết: Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận nhằm góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm; đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống, tăng thu nhập của người dân khu vực nông thôn và thành thị trên địa bàn tỉnh. Sau khi kết thúc chương trình đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 - 4 sao cấp tỉnh nhằm phát triển đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường, làm tiền đề để xây dựng chuỗi giá trị nông sản, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đạt cấp quốc gia (5 sao).

Để đảm bảo tính bền vững của Chương trình OCOP

Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện tốt Chương trình OCOP là một hướng đi tất yếu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn tỉnh nhà theo hướng bền vững.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, thành phần kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân theo hướng cộng đồng (các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ cộng đồng, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Cùng với đó, thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; hạn chế nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn Bình thuận bền vững.

Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ đề xuất công nhận/chứng nhận 3 - 5 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; 100 sản phẩm 3 - 4 sao cấp tỉnh và nâng cấp 60 sản phẩm đã đạt OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh; phát triển và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP gắn với xây dựng 10 chuỗi giá trị; đồng thời xây dựng 01-02 dịch vụ du lịch cộng đồng. Đồng thời, phát triển, thương mại hóa sản phẩm OCOP, từ cấp tỉnh, huyện theo chu trình thường niên; thực hiện xúc tiến thương mại, có hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP Bình Thuận (cửa hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm của địa phương/kết hợp trưng bày tại các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, Trung tâm thương mại, Siêu thị, chợ....).

Để đảm bảo tính bền vững của Chương trình OCOP và đạt mục tiêu phấn đấu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện xúc tiến thương mại các sản phẩm từ 3 - 4 sao. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và định hướng thông tin, xác định đây là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm. Xây dựng vững chắc hệ thống chỉ đạo điều hành, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, tập trung nâng cấp tổ chức, hoàn thiện sản phẩm: Hình thành các Hợp tác xã/doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nhóm, hộ gia đình hoặc tái cơ cấu các tổ chức kinh tế đã có theo hướng có sự tham gia lớn hơn của cộng đồng, hoàn thiện cơ sở sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn nhà sản xuất theo luật định. Xây dựng kênh phân phối, quảng bá sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP lâu dài, ổn định…. Đặc biệt, tỉnh tập trung triển khai thực hiện các chính sách của trung ương và tỉnh liên quan đến Chương trình OCOP bao gồm: Chính sách hỗ trợ tín dụng, vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển sản phẩm, đào tạo nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại./.

 Theo binhthuan.gov.vn

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất