Tây Ninh huy động hơn 238 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP

Tây Ninh huy động hơn 238 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP

Tại cuộc họp cho ý kiến đối với Dự thảo Đề án OCOP Tây Ninh ngày 4/2, ông Võ Đức Trong – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, chương trình OCOP là cần thiết đối với kinh tế địa phương.

Sau khi thực hiện các chính sách lớn để thúc đẩy phát triển tam nông, quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Kinh tế nông thôn phát triển không cân đối, chưa tương xứng với tiềm năng, thu nhập của người dân thấp, không ổn định, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
 

Tây Ninh xác định, Chương trình OCOP là một trong những giải pháp để phát triển ngành nghề nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được nhiều địa phương thực hiện khá thành công. Mục tiêu cụ thể của đề án trong giai đoạn 2020- 2025, Tây Ninh sẽ có từ 2- 3 sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao). Trong đó, tập trung vào các sản phẩm như: bột mì, đường hữu cơ, hạt điều nhân bóc vỏ, mãng cầu Tây Ninh, bánh tráng phơi sương, bò tơ Tây Ninh, muối ớt và muối tôm. 10- 15 sản phẩm OCOP 4 sao (cấp tỉnh); tập trung vào các sản phẩm như: bánh tráng; sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan; sản phẩm chầm nón; sản phẩm cây ăn quả đặc sản; sản phẩm Trà Hoàn Ngọc, Trà Tâm Lan; sản phẩm từ ngành hàng rau thực phẩm.

Mỗi huyện, thành phố sẽ có từ 5- 10 sản phẩm là sản phẩm OCOP 3 sao (cấp tỉnh); tập trung vào các sản phẩm đã đề xuất là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đối với từng huyện/thành phố.

Đến giai đoạn 2026- 2030, toàn tỉnh Tây Ninh phấn đấu có từ 5- 6 sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao).

Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình OCOP là 238,434 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2020- 2025 sẽ huy động hơn 140 tỷ đồng cho các hạng mục như xây dựng hệ thống quản lý điều hành; triển khai chu trình OCOP thường niên; các dự án ưu tiên đầu tư...

Trong đó, vốn ngân sách là 68,77 tỷ đồng (chiếm 49,03%); vốn ngoài ngân sách 71,485 tỷ đồng (chiếm 50,97%).

98,178 tỷ đồng còn lại trong giai đoạn 2026- 2030 chủ yếu là các khoản chi cho hoạt động thuộc Chương trình OCOP như xúc tiến thương mại; hỗ trợ chính sách và tổ chức tham quan học tập.

Theo ông Trong, tỉnh Tây Ninh có khá nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện Chương trình OCOP. Trong đó, những ưu thế nổi bật của tỉnh là vị trí địa lý kinh tế thuận lợi cho việc mở rộng thị trường và tham gia xuất khẩu.

Đồng thời, Tây Ninh có nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú; một số ngành nghề truyền thống với sản phẩm hàng hóa nổi tiếng cùng đội ngũ thợ, nghệ nhân có trình độ tay nghề khá cao là nền tảng tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn bền vững hơn.

Dự thảo Phê duyệt Đề án cũng nêu rõ quan điểm của UBND tỉnh là Nhà nước ban hành khung pháp lý và các nội dung, chính sách để hỗ trợ thực hiện. Đối tượng chính là cộng đồng dân cư bao gồm các doanh nghiệp, HTX, THT, hộ sản xuất sẽ chủ động tổ chức triển khai thực hiện chương trình.

Đề án Chương trình OCOP hướng đến mục tiêu góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã Nông thôn mới.

Việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố, các KCN), phát triển xã hội khu vực nông thôn theo hướng bền vững.

Ông Trong cũng chia sẻ, Chương trình OCOP sẽ được nâng lên thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp; góp phần cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại của tỉnh.

Theo nongthon.vn

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất