Phát triển du lịch gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Sóc Trăng

Phát triển du lịch gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Sóc Trăng

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là Chương trình do Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 ban hành, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân.

Chương trình này còn thúc đẩy quá trình thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

    Thời gian qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động, tích cực phối hợp cùng triển khai có hiệu quả Chương trình. Theo đó, du lịch cũng là một trong các sản phẩm OCOP cần được phát triển, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh của du lịch Sóc Trăng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo Nghị quyết 05/NQ-TU ngày 02-8-2016 của Tỉnh ủy Sóc Trăng về phát triển du lịch.

Khách tham quan chụp ảnh lưu niệm bãi bồi An Thạnh Nam - sản phẩm của Famstay Sân Tiên. 

    Đến nay, có 02 chủ thể gắn với Chương trình phục vụ du lịch cơ bản đã hoàn thành và đưa vào phục vụ khách du lịch là:

    (1) Làng văn hóa du lịch Chợ nổi Ngã Năm (thị xã Ngã Năm), biểu trưng cho tính đặc thù của địa phương, hướng tới lợi ích cộng đồng và hợp tác cùng phát triển, nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Chợ nổi Ngã Năm. Theo tuyến này, du khách sẽ trải nghiệm trên chợ nổi, tham quan Tượng đài chiến thắng, di tích Pháo đài trận đánh chi khu Ngã Năm; xem mô hình sản xuất nông nghiệp và cửa hàng thực phẩm an toàn tại thị xã Ngã Năm,…

    (2) Khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên (huyện Cù Lao Dung). Đến đây du khách có thể trải nghiệm: Đạp xe ra bìa rừng, đi bộ xuyên rừng, bắt ốc len, vọp, uống dừa nước mật ong, thưởng thức vọp nướng; xuống tàu ra cửa biển, câu cá úc. Khi nước ròng, du khách sẽ thú vị hơn khi được trải nghiệm đi bộ trên bải biển nhìn ra biển Đông, hay có thể chơi bóng chuyền, bắt nghêu, chụp ảnh, sau đó lên tàu chạy chậm chậm thưởng thức đặc sản vùng cù lao, nghe và tham gia đờn ca tài tử,…

    Riêng tại ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành đang khai thác phát triển sản phẩm quà tặng du lịch, đồ lưu niệm từ mây tre đan đát, vẽ tranh trên kiếng và sản phẩm cốm dẹp theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP:

    (1) Nghề đan đát của đồng bào Khmer, đến đây du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng những sản phẩm nông nghiệp từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, tinh tế của người dân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm rất phong phú và đa dạng chủng loại như: Rổ, thúng, xà ngom, bội nhốt gà, xà neng, cần xé nhỏ,… và nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác như: Chiếc ghe ngo nhỏ, khay đựng trầu, rổ nhỏ… bằng nguyên liệu chủ yếu là tre, trúc. Hiện nay, trên địa bàn xã Phú Tân còn khoảng 80 hộ gia đình vẫn còn làm nghề đan đát và đang được quy hoạch xây dựng với tổng diện tích 5 ha, để phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre trúc để phục vụ du khách về tham quan, mua hàng lưu niệm.

    (2) Nghề vẽ tranh trên kiếng là nghề truyền thống, mang đậm nét văn hóa nghệ thuật của đồng bào Khmer. Đến Phú Tân, chúng ta có thể chứng kiến hình ảnh những bức tranh vẽ trên kiếng được bà con phơi trước cửa nhà. Theo nhiều nghệ nhân, để hoàn thành một bức tranh trên kiếng thì phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người vẽ cần có sự khéo léo và tay nghề cao, có cặp mắt thẩm mỹ trong phối màu, nét bút thật sắc sảo và tranh có hồn. Đề tài vẽ tranh cũng khá phong phú, nhưng chủ đề được các nghệ nhân vẽ nhiều nhất là câu chuyện kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, phong cảnh chùa hay những địa danh nổi tiếng...

    (3) Nghề làm cốm dẹp là đặc sản độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói chung, Sóc Trăng nói riêng, một trong những lễ vật quan trọng không thể thiếu trong mỗi dịp lễ Oóc Om Bóc (lễ cúng Trăng) cũng là sự kiện lớn thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến Sóc Trăng hàng năm. Theo các nghệ nhân, nghề làm cốm dẹp là một trong những nghề đã xuất hiện từ rất sớm của đồng bào Khmer, chủ yếu là hướng dẫn làm trực tiếp theo dạng "cha truyền con nối", hiện có khoảng 20 hộ hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

    Riêng về Dự án “Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên”, Dự án du lịch “Văn hóa làng nghề dân tộc xã Phú Tân”, phục vụ phát triển du lịch của địa phương. Đây là điều kiện để thúc đẩy hợp tác xã làng nghề Phú Tân sẽ phát triển trong tương lai, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, phát triển du lịch gắn với việc phát triển sản phẩm của các làng nghề truyền thống.

Hoạt động đi cầu tre xuyên rừng - sản phẩm của Famstay Sân Tiên.

 

    Ngoài các địa phương có sản phẩm, phát triển theo tiêu chuẩn OCOP nêu trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh có chỉ đạo các đơn vị, phòng ban đến khảo sát, hướng dẫn một số hộ dân, cơ sở thuộc các huyện, thị xã còn lại xây dựng sản phẩm đặc trưng của các địa phương, theo tiêu chuẩn và 5 nhóm OCOP, gồm:

    Nhóm I - thực phẩm: Nông sản tươi sống (rau, quả), mật ong, sản phẩm thô, sơ chế, chế biến, thực phẩm tiện lợi,...

    Nhóm II - đồ uống: Là loại đồ uống có cồn và không cồn.

    Nhóm III - thảo dược: Là sản phẩm có thành phần từ thảo dược như nấm linh chi,...

    Nhóm IV - lưu niệm, nội thất, trang trí: Là sản phẩm mỹ nghệ từ gốc gỗ, tranh vẽ, mây tre, đồ lưu niệm,...

    Nhóm V - dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng: Là sản phẩm phục vụ tham quan, du lịch, giải trí,...

    Như vậy, sau các đợt lồng ghép khảo sát, hướng dẫn các cơ sở, hộ dân để tìm ra sản phẩm gắn liền với phục vụ tiêu dùng cho khách du lịch. Cụ thể như: Thị xã Vĩnh Châu có sản phẩm hành tím, tỏi, củ cải muối (sá pấu); khu du lịch sinh thái cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách, có sản phẩm dừa dứa và các loại trái cây đặc sản như bưởi, xoài,...; huyện Cù Lao Dung có sản phẩm tôm khô một nắng, ổi nữ hoàng, nhãn tím,...; thị xã Ngã Năm có các sản phẩm từ khô, từ mắm... 99 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 1 đến 4 sao được tỉnh công nhận, đã góp phần làm phong phú thêm danh sách quà tặng, phục vụ ăn, uống của du khách và cũng là sản phẩm thương mại, du lịch của địa phương. Các sản phẩm này được trưng bày, giới thiệu và bán tại các điểm du lịch, các chợ đầu mối của tỉnh và một số địa phương khác trong cả nước. Các đơn vị có liên quan đều góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến du khách và người tiêu dùng, thông qua các kỳ tham gia và tổ chức các sự kiện hội chợ thương mại, hội chợ ngày hội du lịch, diễn đàn và các hội thảo lớn về du lịch.

    Theo Đề án Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị; các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai thực hiện các đề án, dự án về du lịch đã được UBND tỉnh phê duyệt; các dự án thành phần cấp tỉnh liên quan đến phát triển du lịch theo nội dung của Đề án Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” theo hướng vừa gắn kết văn hóa 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, kết nối, hòa hợp với thiên nhiên, sông nước, vườn cây ăn trái 4 mùa vừa lồng ghép và đưa các sản phẩm đặc trưng từng địa phương trong tỉnh của chương trình OCOP vào hoạt động du lịch, nhằm kết nối và tạo ra sự phong phú, đa dạng về các sản phẩm du lịch, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm, trải nghiệm của khách du lịch, trong đó ưu tiên các địa phương đã được nằm trong quy hoạch cụm du lịch của tỉnh và tập trung nhiều sản phẩm nằm trong OCOP.

Theo Báo Đồng Tháp online

 

 

 

 

 


Tìm kiếm

Tin tức mới nhất