Một trong những sản phẩm tiêu biểu được đưa vào Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của tỉnh giai đoạn 2018 – 2020 là các dòng sản phẩm ca cao, socola của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na, huyện Krông Ana). Trước đây, dù các sản phẩm làm từ ca cao của công ty khá đa dạng, phong phú, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, nhưng khó khăn là hoạt động kết nối cung - cầu, chuyển giao công nghệ, hợp tác kinh doanh, cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp, địa phương còn hạn chế.
Doanh nghiệp được hỗ trợ quảng bá sản phẩm. Ảnh:BĐL
Từ khi được lựa chọn tham gia vào Chương trình OCOP, công ty được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển lãm để tìm kiếm bạn hàng. Thông qua chương trình, công ty cũng nhận thức rõ được nhu cầu thực tế của bạn hàng để điều chỉnh sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu người dùng. Hiện, công ty đang tích cực đổi mới dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các tiêu chí của chương trình, nhằm nâng sao cho sản phẩm..
Đến nay, toàn tỉnh đã xếp hạng được 11 sản phẩm, trong đó nhóm thực phẩm có 6 sản phẩm; nhóm đồ uống 4 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch 1 sản phẩm. 4 sản phẩm trong đó đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm còn lại được tiếp tục đánh giá trong đợt 2, năm 2020.
Thực tế cho thấy, ngoài việc doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã xây dựng sản phẩm, nhà nước tích cực vào cuộc để hỗ trợ những phần mà người dân còn yếu, như vốn đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn, bao bì, mẫu mã, thương hiệu; quảng bá, thương mại sản phẩm... Đến nay, nhiều sản phẩm đã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, bên cạnh việc đánh giá hiệu quả, duy trì 27 sản phẩm của giai đoạn 1, tỉnh sẽ phát triển thêm 57 sản phẩm mới tăng dần theo các năm và tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi; phát triển mới từ 30 - 40 tổ chức kinh tế tham gia OCOP; phát triển 3 - 5 chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.
Chương trình OCOP được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện. Đồng thời, đưa việc xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Chính vì vậy, Đắk Lắk đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; công nhận/chứng nhận 1 - 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 10 - 12 sản phẩm 3 - 4 sao cấp tỉnh; phấn đấu xây dựng 1 - 2 làng du lịch sinh thái cộng đồng, làng văn hóa gắn với khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. Hiện tỉnh đã xếp hạng được 11 sản phẩm, các sản phẩm còn lại sẽ được tiếp tục đánh giá trong đợt II, năm 2020.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Việc phân loại, xếp hạng, gắn sao các sản phẩm OCOP là có ý nghĩa quan trọng trong khẳng định chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ ở các địa phương, góp phần gia tăng giá trị và có một thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững. Việc gắn sao và được cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm là minh chứng về chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái. Đây cũng là cơ hội để nâng tầm những sản phẩm đã có ở địa phương và nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để đạt được các tiêu chuẩn sao cấp quốc gia (5 sao), đòi hỏi chủ thể phải không ngừng nâng cao chất lượng, phát triển, xúc tiến thương mại sản phẩm, nhất là chú trọng thúc đẩy chuỗi giá trị, kết nối với năng lực, nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng. Riêng đối với sản phẩm 4 sao, để nâng cấp lên 5 sao, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ chủ thể hoàn thiện các điều kiện đáp ứng theo Bộ tiêu chí chấm điểm và phân hạng OCOP quốc gia